(HNM) - Tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề có xu hướng gia tăng, ảnh hưởng không nhỏ đời sống, sức khỏe người dân chưa được khắc phục triệt để.
Ông Hoàng Xuân Thủy, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương Hà Nội) cho biết, trên địa bàn hiện có nhiều làng nghề bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng bởi chất thải, hóa chất độc hại từ quá trình sản xuất. Hầu hết các làng nghề mới chỉ thu gom rác thải sinh hoạt, chưa có hệ thống xử lý nước thải, khí thải, thu gom và xử lý chất thải rắn. Chất thải từ quá trình sản xuất thường xả thẳng ra môi trường.
Qua quan trắc, hầu hết các làng nghề có ít nhất ba chỉ tiêu nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép. Hai phường Phú Diễn và Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm có nghề sản xuất đậu phụ, nước thải đổ ra hệ thống thoát nước chung của khu dân cư bốc mùi hôi và ô nhiễm. Người dân sống tại các làng cơ khí như Thanh Thùy (Thanh Oai), Nhị Khê (Thường Tín)... không chỉ sống chung với nguồn nước bị ảnh hưởng của nước thải từ công đoạn mạ, cán phôi thép, mà còn hít thở không khí chứa bụi độc... Nguồn nước thải sản xuất gồm cả các chất hóa học không qua xử lý khiến chất lượng nước ngầm bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Hệ thống điều khiển tại Nhà máy xử lý nước thải làng nghề Cầu Ngà (xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức). Ảnh: Nhật Nam |
Để khắc phục tình trạng trên, Hà Nội đã ưu tiên nguồn vốn ngân sách cho xử lý môi trường, chỉ đạo hỗ trợ kinh phí cho các quận, huyện, thị xã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các cụm, điểm công nghiệp làng nghề.
Một số dự án quy mô lớn đã, đang được thực hiện, như dự án xây dựng Nhà máy xử lý nước thải tại xã Dương Liễu, với công suất 13.000m3/ngày-đêm, xử lý nước thải cho 3 xã Cát Quế - Dương Liễu - Minh Khai; dự án xây dựng Nhà máy xử lý nước thải tại xã Sơn Đồng (Hoài Đức); dự án đầu tư hệ thống xử lý nước thải tại làng nghề cơ kim khí xã Thanh Thùy (Thanh Oai)…
Theo Sở Công Thương, từ nay đến năm 2020, Sở phối hợp với các ngành chức năng, các địa phương xử lý ô nhiễm môi trường cho 50 làng nghề có mức độ ô nhiễm nghiêm trọng; điều tra, thống kê, phân loại các cơ sở trong làng nghề trên địa bàn các xã theo các nhóm A (cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường thấp), nhóm B (cơ sở có một, hoặc một số công đoạn sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao) và nhóm C (cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao).
20 làng nghề có mức độ ô nhiễm nghiêm trọng sẽ được hỗ trợ 100% kinh phí để xây dựng công trình xử lý nước thải tập trung, khu tập kết chất thải rắn. Thành phố cũng ưu tiên phân bổ không thấp hơn 10% tổng kinh phí sự nghiệp môi trường cho công tác bảo vệ môi trường làng nghề, ưu tiên cho các làng nghề truyền thống và làng nghề được công nhận. Phấn đấu đến năm 2020, sẽ hoàn thành việc xử lý ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại 50 làng nghề.
Cùng với đó, thành phố sẽ quy hoạch các cụm công nghiệp làng nghề để di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư, xây dựng kế hoạch triển khai chính sách phát triển làng nghề giai đoạn 2016-2020; nghiên cứu xây dựng thí điểm mô hình “Hệ thống quản lý môi trường tại làng nghề” và hoàn thành “Đề án bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là người dân làng nghề phải tự ý thức và có trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.