(HNM) - Từ một huyện đông dân, thuần nông còn nhiều khó khăn, chỉ trong 5 năm (2005-2010), Chương Mỹ đã có sự bứt phá ngoạn mục, trở thành một huyện phát triển mạnh công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN).
Một góc Khu công nghiệp Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ. Ảnh: Bá Hoạt |
Thu hút đầu tư, phát triển mạnh CN-TTCN
Đây được coi là khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2005-2010, tác động tích cực đến quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động của huyện Chương Mỹ. Với lợi thế có nhiều ngành nghề TTCN, giao thông thuận lợi, vị trí địa lý hấp dẫn các nhà đầu tư, nguồn nhân lực dồi dào..., Đảng bộ huyện đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc tháo gỡ những rào cản cản trở sự phát triển của ngành CN-TTCN và thu hút đầu tư. Cùng với việc ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển CN-TTCN, Huyện ủy đã có cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển đầu tư; phân công cán bộ phụ trách cơ sở kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, cùng các vấn đề phát sinh để tập trung giải quyết.
Đến nay, Chương Mỹ đã thu hút 520 doanh nghiệp (DN) vào đầu tư sản xuất kinh doanh (riêng 5 năm qua tiếp nhận 124 dự án). Điều đáng nói, huyện đã lựa chọn, ưu tiên các DN có quy mô lớn, thu hút nhiều lao động, nộp ngân sách nhiều, sản xuất kinh doanh ít ảnh hưởng tới môi trường. Các DN đã thể hiện trách nhiệm sát cánh cùng với cấp ủy, chính quyền góp phần dạy nghề cho hơn 5.400 lao động và giải quyết việc làm, thu nhập ổn định cho hơn 20.000 lao động.
Bức tranh CN-TTCN của huyện Chương Mỹ đã được hình thành với một khu CN và nhiều điểm CN-TTCN. Tổng giá trị sản xuất ngành này (chỉ tính giá trị trên địa bàn huyện) năm 2010 ước đạt 2.359 tỷ đồng, chiếm 42% và giữ vai trò chủ lực trong nền kinh tế của huyện. Khai thác thế mạnh ngành nghề truyền thống, huyện đẩy mạnh chương trình khuyến công, khuyến khích và tạo điều kiện cho các DN tham gia khôi phục, phát triển, nhân cấy nghề truyền thống. Toàn huyện có 160/213 làng có nghề, riêng nhiệm kỳ qua có thêm 14 làng nghề được UBND TP công nhận đạt tiêu chuẩn làng nghề, nâng tổng số lên 33 làng đạt danh hiệu này (vượt 3 làng so với chỉ tiêu đại hội).
Chuyển biến trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng
Ngay từ đầu nhiệm kỳ (năm 2006), Đảng bộ huyện Chương Mỹ đã ban hành Nghị quyết về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ ở các loại hình tổ chức cơ sở Đảng (TCCSĐ). Qua làm điểm tại thị trấn Chúc Sơn, xã Thượng Vực, Trường Cao đẳng Cộng đồng, ngân hàng và Chi bộ Văn hóa - Thông tin - Thể thao, kết quả đạt được rất khả quan. Huyện ủy đã chỉ đạo nhân rộng, tạo nên sự chuyển biến tích cực. Hầu hết các chi bộ thuộc các loại hình đã thực hiện đúng lịch sinh hoạt. Nội dung sinh hoạt được chuẩn bị chu đáo, các đảng viên sôi nổi tham gia phát biểu ý kiến, đánh giá kết quả và những tồn tại trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của chi bộ, thảo luận tìm giải pháp khắc phục. Tinh thần đấu tranh, phê bình và tự phê bình trong sinh hoạt Đảng cũng được nâng lên. Đặc biệt, 100% chi bộ đã xây dựng được quy chế làm việc; phương pháp điều hành của đồng chí bí thư chi bộ đã thể hiện sự khoa học, hợp lý. Những hạn chế về quản lý, phân công nhiệm vụ cho đảng viên từng bước được khắc phục. Tỷ lệ TCCSĐ trong sạch, vững mạnh (TSVM) hằng năm đều tăng. Năm 2009 có 76,6% đạt TSVM, không còn TCCSĐ yếu kém (hoàn thành mục tiêu đại hội đề ra). Đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ tăng từ 64,6% (đầu nhiệm kỳ) lên 80,5%.
Trong nhiệm kỳ qua, vai trò, năng lực lãnh đạo của các đảng bộ, chi bộ ở khu vực nông thôn đã được nâng lên đáng kể. Việc chỉ đạo thực hiện Nghị quyết TƯ 7 về nông nghiệp, nông thôn và nông dân là minh chứng rõ nhất. Là huyện thuần nông nhưng quy mô sản xuất manh mún, chưa đạt hiệu quả cao. Đảng bộ 32 xã, thị trấn đã xây dựng chương trình, kế hoạch, triển khai đồng bộ các giải pháp chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa kỹ thuật, đặc biệt là dồn điền đổi thửa nhằm tạo thuận lợi cho sản xuất quy mô lớn. Trong 5 năm, toàn huyện đã dồn đổi được 905,3ha gắn với chuyển dịch cơ cấu cây trồng, thực hiện các dự án cây ăn quả (bưởi Diễn, nhãn muộn), nuôi trồng thủy sản kết hợp chăn nuôi, chăn nuôi tập trung xa khu dân cư. Giá trị thu nhập năm 2010 đã đạt 60 triệu đồng/ha/năm (tăng 22 triệu đồng so với mục tiêu đại hội).
Bước vào một nhiệm kỳ mới với những lợi thế mới khi thị trấn Xuân Mai được chính phủ và TP quy hoạch là đô thị vệ tinh cửa ngõ phía Tây Nam của Thủ đô, thị trấn Chúc Sơn được chọn là đô thị sinh thái trong quy hoạch chung của Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn 2050; Khu CN Phú Nghĩa và các cụm CN-TTCN đang phát huy hiệu quả hoạt động… Đảng bộ huyện Chương Mỹ quyết tâm đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, huy động sức mạnh của hệ thống chính trị, đặc biệt tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân để nhanh chóng thực hiện được mục tiêu xây dựng huyện giàu đẹp, văn minh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.