(HNM) - Nền kinh tế nước ta mới đi qua tháng đầu của năm kế hoạch 2010 nhưng đã đạt được những kết quả khả quan. Đó cũng là niềm vui đầu năm, hứa hẹn tăng trưởng kinh tế năm mới sẽ suôn sẻ.
Sản xuất công nghiệp, xuất khẩu tăng trưởng cao
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hoạt động sản xuất, xuất khẩu và dịch vụ tháng 1-2010 đều có mức tăng trưởng khá. Nổi bật là giá trị sản xuất công nghiệp đạt 62,8 ngàn tỷ đồng, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, khu vực nhà nước tăng 23,1%, khu vực ngoài nhà nước tăng 31,1% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 29,1%. Nhiều doanh nghiệp (DN) đang tập trung sức cho sản xuất hàng phục vụ dịp Tết, phục vụ các công trình, dự án và thực hiện đơn hàng xuất khẩu. Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực như điều hòa nhiệt độ, bình đun nước nóng, lốp ô tô, gạch lát Ceramic, xi măng, kính, tủ lạnh, thép tròn, khí hóa lỏng, vải, than đá… có mức tăng từ 40% đến hơn 200% so với cùng kỳ. Các địa phương đạt tốc độ tăng cao gồm Phú Thọ, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương.
Lắp rắp hệ thống dây dẫn điện cho xe ô tô tại Công ty TNHH Hệ thống dây Sumi-Hanel (liên doanh giữa Công ty Điện tử Hà Nội với Tập đoàn Sumitomo Nhật Bản). Ảnh: Huy Hùng - TTXVN |
Thực tế sản xuất công nghiệp cho thấy nhu cầu thị trường đang tăng nhưng quan trọng hơn là các chính sách kích cầu đầu tư, tiêu dùng của Chính phủ và các địa phương đã "ngấm", nâng đỡ DN vượt khó và phát triển. Đặc biệt, DN sản xuất hàng tiêu dùng đang được hưởng lợi từ chính sách kích cầu nội địa, nhất là khi xã hội tích cực hưởng ứng cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", với tác dụng kép thúc đẩy quan hệ giữa lực lượng sản xuất và tiêu dùng, thúc đẩy thị trường.
Xuất khẩu tăng mạnh với kim ngạch đạt 4,9 tỷ USD, tăng 28,1%, là mức tăng đáng ghi nhận sau thời gian trầm lắng do sự suy giảm nhập khẩu trên phạm vi toàn cầu. Bộ Công thương cho biết, một số thị trường lớn có dấu hiệu hồi phục và đơn hàng đã quay trở lại do nhu cầu tiêu dùng, sản xuất gia tăng. Đáng mừng là giá bán một số mặt hàng trên thị trường thế giới tăng cao so với giá cùng kỳ, mang lại giá trị cao hơn, góp phần tăng kim ngạch và lợi nhuận cho DN. Tính riêng yếu tố tăng giá, hàng xuất khẩu DN Việt Nam đã "ăn ra" 450 triệu USD.
Thị trường trong nước tiếp tục sôi động, hàng hóa dồi dào, tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 1 đạt 121 ngàn tỷ đồng, tăng 3,8% so với tháng
1-2009. Lượng khách du lịch quốc tế đạt 416 ngàn lượt người, tăng 10,6% so với tháng 12-2009 và tăng 20,4% so với cùng kỳ năm 2009. Thu ngân sách đạt hơn 41 ngàn tỷ đồng, tăng 24,5% so với cùng kỳ....
Tiếp tục những giải pháp tích cực
Từ sự phục hồi từng bước của kinh tế thế giới, dấu hiệu tăng mặt bằng giá đối với nhiều mặt hàng, Bộ Công thương lưu ý DN không nên quá "say" nhập khẩu và phải luôn có ý thức góp phần kìm hãm nhập khẩu để hạn chế nhập siêu, nhằm bảo đảm yếu tố ổn định và cân đối vĩ mô. Mức nhập siêu trong tháng 1 đạt 1,3 tỷ USD, bằng 26,5% của kim ngạch xuất khẩu là không thể xem thường. Muốn đạt mục tiêu tổng quát là tăng trưởng GDP 6,5%, giá trị sản xuất công nghiệp cả năm phải đạt mức tăng 12% và giá trị gia tăng toàn ngành tăng 5,7%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6% và tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ nội địa tăng 22% so với năm trước.
Sản xuất các sản phẩm kỹ thuật điện tại Công ty TNHH ABB Việt Nam (Công ty có vốn đầu tư nước ngoài). Ảnh: Huy Hùng - TTXVN |
Bộ Công thương đề ra một số giải pháp: Khai thác tối đa năng lực sản xuất và hướng mạnh vào thị trường trong nước; sắp xếp lại sản xuất, đầu tư có trọng điểm để tạo ra sản phẩm mới, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Rà soát các chiến lược, quy hoạch phát triển ngành để bổ sung, điều chỉnh cho giai đoạn 5 năm 2011-2015, tránh chồng chéo. Đẩy mạnh xuất khẩu đối với những sản phẩm có kim ngạch lớn, giá trị cao như phần mềm, tin học ứng dụng, dịch vụ tài chính, ngân hàng, viễn thông, du lịch… Nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến thương mại, duy trì "3 chân kiềng" thị trường trọng điểm, gồm EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, kết hợp mở hướng thâm nhập mạnh thị trường Trung Đông, Nam Mỹ và châu Phi; khuyến khích DN tham gia đấu thầu cung cấp dịch vụ và triển khai công trình, dự án đầu tư ở nước ngoài. DN cần tận dụng cơ hội, lợi thế, lộ trình cắt giảm thuế suất do các hiệp định thương mại song phương, nhất là thị trường ASEAN và Nhật Bản để đẩy mạnh xuất khẩu phục vụ mục đích tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị phần và tầm ảnh hưởng của hàng Việt Nam. DN chủ động liên kết, phối hợp thực hiện những dự án lớn, đồng thời ưu tiên sử dụng nguồn nguyên vật liệu và nhân công trong nước, triệt để tiết kiệm ngoại tệ và giúp nhau tiêu thụ sản phẩm, từ đó tăng tối đa tỷ lệ vận hành của các dây chuyền sản xuất…
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thời gian tới cần chú trọng một số nội dung quan trọng như: Theo sát tình hình triển khai kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản, tập trung tìm giải pháp tăng xuất khẩu và sản xuất trong nước, bảo đảm đáp ứng kịp thời nhu cầu ngoại tệ, nhất là nhu cầu nhập khẩu phục vụ sản xuất, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội, chủ động phòng, chống dịch bệnh, thiên tai…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.