Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển kinh tế biển, tăng cường tiềm lực kinh tế quốc gia và bảo vệ chủ quyền biển đảo

Đại tá Nguyễn Thành Hữu| 12/10/2015 06:15

(HNM) - Việt Nam có 3.200km bờ biển, có các vùng biển và thềm lục địa khoảng 1.000.000km2 với gần 3.000 đảo nằm rải rác từ Bắc đến Nam trên Biển Đông, bao gồm các đảo ven bờ và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Nhận thức sâu sắc vấn đề trên, Nghị quyết Đại hội X của Đảng đã chỉ rõ: Xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm; sớm đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về kinh tế biển trong khu vực, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hợp tác quốc tế... Xác định rõ vị trí, vai trò quan trọng của biển, đảo và lường trước những vấn đề tranh chấp có thể xảy ra do lợi ích giữa các quốc gia và quốc tế, Việt Nam đã tham gia nhiều hội nghị quốc tế; bỏ phiếu tán thành Công ước quốc tế về Luật Biển và là một trong 119 quốc gia ký công ước này ngay từ năm 1982...

Việc xác lập chủ quyền biển, đảo của Việt Nam trong khu vực đã được Đảng và Chính phủ ta cụ thể hóa bằng việc phê duyệt, ký kết song phương và đa phương giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam với các nước có liên quan về vấn đề chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển chồng lấn hoặc có tranh chấp. Và hệ thống pháp lý về chủ quyền biển, đảo đã khẳng định chủ quyền của quốc gia trên biển, tạo điều kiện cho hoạt động bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam trên chính trường quốc tế; tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động hợp tác quốc tế về quản lý, khai thác tài nguyên biển; tăng cường kiểm soát và bảo vệ quốc phòng, an ninh trên biển và là cơ sở quan trọng cho các hoạt động phát triển khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế biển ở Việt Nam.

Tàu, thuyền khai thác hải sản ở vùng biển đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi).


Trong Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, về phương hướng nhiệm vụ đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng nêu rõ: "Phát triển kinh tế biển nhằm tăng cường tiềm lực kinh tế quốc gia và bảo vệ chủ quyền biển đảo. Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp dầu khí, đánh bắt xa bờ và hậu cần nghề cá, kinh tế hàng hải (kinh doanh dịch vụ cảng biển, đóng và sửa chữa tàu vận tải biển), du lịch biển, đảo. Có cơ chế tạo bước đột phá về tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế biển, thu hút mạnh hơn mọi nguồn lực đầu tư để phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, khai thác tài nguyên biển đảo một cách bền vững. Tập trung đầu tư nâng cao hiệu quả hoạt động các khu kinh tế ven biển". Nội dung trên cho thấy, Đảng và Nhà nước ta đã xác định rất rõ việc phát triển kinh tế biển toàn diện; nhằm tăng cường tiềm lực quốc gia, đồng thời với bảo vệ chủ quyền biển đảo là hai mặt trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; trong quá trình phát triển kinh tế đất nước và hội nhập quốc tế... Dự thảo đã đưa vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo là một trong những yếu tố của phát triển kinh tế biển và nhấn mạnh tính cấp thiết, mối quan hệ giữa phát triển kinh tế biển với cuộc đấu tranh để bảo vệ chủ quyền biển đảo. Đảng ta đã xác định, phát triển được nền kinh tế biển sẽ tăng cường được tiềm lực kinh tế quốc gia và bảo vệ được chủ quyền biển đảo.

Khi nguồn tài nguyên trên lục địa ngày càng cạn kiệt, cùng với sự gia tăng dân số và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, tất cả các nước có biển cũng như không có biển trên thế giới đều nhất loạt hiện thực hóa kế hoạch vươn ra biển, nhằm tìm kiếm nguồn lợi to lớn trên biển. Vì vậy, vấn đề tranh chấp chủ quyền biển, đảo trên thế giới, trong đó có khu vực biển của Việt Nam trở thành vấn đề chính trị nóng bỏng, tác động mạnh mẽ đến đường lối chiến lược, sách lược của các quốc gia và vùng lãnh thổ. Biển, đảo là bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ quốc gia, có vị trí, vai trò to lớn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam không chỉ là nhiệm vụ thường xuyên mà còn là vấn đề mang tính cấp bách hiện nay. Việt Nam là một quốc gia ven biển và có lợi thế về biển. Vì vậy, phát triển kinh tế biển không chỉ là nhu cầu tất yếu của đất nước mà còn là xu thế chung của cộng đồng quốc tế. Nội dung, yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ, giữ vững chủ quyền của Việt Nam trên biển đòi hỏi trước mắt là đấu tranh làm thất bại hành động xâm phạm của các thế lực thù địch; đồng thời tiếp tục kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế biển với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân trên biển. Phát triển kinh tế biển là cơ sở quan trọng để củng cố quốc phòng, an ninh trên biển; xây dựng và củng cố quốc phòng, an ninh trên biển lại là điều kiện, là tiền đề để phát triển kinh tế biển.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát triển kinh tế biển, tăng cường tiềm lực kinh tế quốc gia và bảo vệ chủ quyền biển đảo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.