(HNM) - Có nhiều đề tài khoa học phải xếp ngăn kéo, tính ứng dụng thấp và thiếu công khai đã khiến phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân ngày 12-6
Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Nguyễn Quân. |
Nhiều câu hỏi khó
Ngay đầu phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân đã nhận được các câu hỏi khá khó, tập trung vào những vấn đề được cho là còn nhiều bất cập trong quản lý hiện nay. Đại biểu (ĐB) Nguyễn Mạnh Hùng (Đoàn Thái Nguyên) thẳng thắn đặt vấn đề về tình trạng sử dụng kinh phí nghiên cứu khoa học thiếu minh bạch. Cụ thể, cá nhân, cơ quan thuộc Bộ KH&CN thì được cấp tiền dễ dàng, các bộ, ngành khác thì khó. Đặc biệt, có ý kiến còn cho rằng, nhiều đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp phải chung chi 25-50% kinh phí khi nhận đề tài nghiên cứu khoa học. "Bộ trưởng có nghe thấy thông tin này và nếu có thì đã có biện pháp gì để xử lý tiêu cực chưa?" - ĐB Nguyễn Mạnh Hùng hỏi. ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang (Đoàn TP Hồ Chí Minh) chỉ ra điểm vênh giữa chính sách và thực tế triển khai khi Luật KH&CN quy định ngân sách hằng năm dành cho KH&CN là 2% nhưng thực tế chưa hề đạt được con số này trong nhiều năm qua. Ở một góc nhìn khác, ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Đoàn Quảng Bình) bày tỏ băn khoăn, lo lắng trước thực trạng lãng phí: các đề tài nghiên cứu xong xếp ngăn kéo diễn ra phổ biến, ứng dụng thấp; phải chăng do đầu tư dàn trải, không đúng chỗ?
Cho rằng các nội dung ĐBQH hỏi rất đáng quan tâm, song Bộ trưởng Nguyễn Quân không đi thẳng vào hết tất cả các câu hỏi. Bộ trưởng khẳng định, sở dĩ có hiện tượng đầu tư ngân sách hằng năm cho KH&CN không đạt đủ 2% vì luôn phải dành một phần ngân sách cho dự phòng và an ninh quốc phòng, dẫn tới phần thực chi chỉ đạt mức 1,52%, tương đương với 17.300 tỷ đồng. Trong số đó, 40% dành cho đầu tư hạ tầng; 40% dành chi thường xuyên cho các cơ quan KH&CN công lập, chỉ xấp xỉ 20% còn lại cho nghiên cứu… Đã vậy, để có kinh phí hoạt động, mọi nhiệm vụ đều phải được phê duyệt từ tháng 7 năm trước và ngân sách sẽ chi trả cho kinh phí hoạt động vào tháng 1 năm sau. Điều này khiến cho nhiều đề tài, dự án trở nên quá lạc hậu khi nhận được kinh phí và không thể đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Riêng câu hỏi có hay không hiện tượng chung chi 25%-50%, Bộ trưởng Bộ KH&CN cho biết, đến nay chưa nhận được thông tin này. "Nếu có, bộ sẽ có hình thức xử lý nghiêm những trường hợp cố tình có hành vi tham nhũng như vậy". - Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định.
Cần giải pháp có trọng tâm, trọng điểm
|
Chưa hẳn đồng tình với những giải pháp người đứng đầu Bộ KH&CN đưa ra, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Đoàn Ninh Thuận), nhận định, lãng phí trong KH&CN vô cùng lớn, kết quả mang lại không tương xứng kinh phí bỏ ra. Một trong những việc cần ưu tiên giải quyết hiện nay là loại bỏ những đề tài không có tính ứng dụng. ĐB Bùi Mạnh Hùng (Đoàn Bình Phước) đặt vấn đề, vai trò dẫn dắt của KH&CN trong nông nghiệp rất mờ nhạt. Minh chứng điển hình là các doanh nghiệp Việt Nam đang nhập hạt điều, ngô, đậu tương, muối… để sản xuất. Trong khi đó, đây là những sản phẩm mà nông dân có thể trồng để cung cấp được. Tại sao để tình trạng phải nhập khẩu kéo dài, bộ đã nghiên cứu việc trồng và quy trình sản xuất các mặt hàng này và đưa vào chương trình sản phẩm trọng điểm quốc gia chưa là những câu hỏi ĐB Bùi Mạnh Hùng đặt ra.
Cũng tại phiên chất vấn, vấn đề năng suất lao động Việt Nam chỉ bằng khoảng 43% so với mặt bằng chung các nước ASEAN, mới có 10% doanh nghiệp áp dụng công nghệ hiện đại, còn lại là công nghệ lạc hậu khiến nguy cơ Việt Nam trở thành bãi rác công nghệ của thế giới, doanh nghiệp tiếp cận thông tin KH&CN còn khó cũng được ĐBQH phản ánh.
Bộ trưởng Nguyễn Quân nhìn nhận, nguy cơ Việt Nam thành bãi rác công nghệ hoàn toàn có khả năng nếu không có giải pháp, có những hàng rào kỹ thuật. "Tư lệnh" ngành KH&CN cho biết, bộ đã được giao xây dựng văn bản quy định về điều kiện sử dụng các thiết bị máy móc đã qua sử dụng. Với câu chuyện doanh nghiệp nhập một số sản phẩm nông nghiệp, dù nông dân sản xuất được, Bộ trưởng Nguyễn Quân lý giải, bộ chưa đưa vào chương trình sản phẩm quốc gia nhưng đã có các chương trình nghiên cứu. Thế nhưng doanh nghiệp chưa tin tưởng vào sản phẩm trong nước dù tốt và cũng không thể ràng buộc các đơn vị.
Làm rõ những chất vấn của ĐBQH về chất lượng lao động, Bộ trưởng Nguyễn Quân chia sẻ, tại kỳ họp thứ tám, khi bổ sung phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, ông cũng đã nói năng suất lao động Việt Nam còn thấp vì trình độ sản xuất chung còn thấp, mức đầu tư nhìn chung cũng còn thấp. Người đứng đầu Bộ KH&CN thừa nhận, những năm gần đây, năng suất của chúng ta đã tăng lên nhiều nhưng vẫn chỉ bằng 1/14 của Singapore. Vấn đề quan trọng chính là đầu tư KH&CN, đưa KH&CN vào sản xuất. "Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông đứng bên bờ vực phá sản, nhưng nhờ áp dụng tiến bộ KH&CN, trong vòng 10 năm, công ty trở thành một trong 500 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam. Hằng năm, công ty đóng góp thuế cho ngân sách nhà nước 220 tỷ đồng. Chưa kể, năng suất một công nhân bằng 15 lần năng suất trung bình của Việt Nam và cao gấp gần trăm lần năng suất trong sản xuất nông nghiệp của nông dân" - Bộ trưởng Nguyễn Quân dẫn chứng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.