(HNM) - Tiến ra biển là một trong những hướng phát triển chính của TP Hồ Chí Minh trong Quy hoạch chung xây dựng TP đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, xây dựng một TP hướng ra phía biển trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng không phải là một điều dễ dàng. Chính vì vậy, trong 2 ngày 14 và 15-6, UBND TP Hồ Chí Minh và TP Rotterdam (Hà Lan) đã tổ chức hội thảo "TP Hồ Chí Minh phát triển ra biển và thích ứng với biến đổi khí hậu" để tìm ra phương cách phát triển TP bền vững.
Cảng Hiệp Phước sau khi hoàn thành là điểm nhấn phát triển của TP Hồ Chí Minh ra hướng biển. Ảnh: Nguyên Hoàng |
Phát triển kinh tế hướng ra biển
Trong Quy hoạch chung xây dựng TP đến năm 2025, định hướng phát triển không gian của TP có 4 hướng; trong đó 2 hướng phát triển chính là hướng Nam tiến ra biển và hướng Đông - Đông Bắc; hai hướng phụ là Bắc - Tây Bắc và Tây - Tây Nam. Với hướng Nam, từ những năm 1990, TP đã xây dựng Khu chế xuất Tân Thuận rộng 300ha, tiếp đó là Khu đô thị mới Nam Sài Gòn, Khu công nghiệp Hiệp Phước. Đầu năm 2010, dự án mở rộng đường Rừng Sác - Cần Giờ lên đến 6 làn xe để mở đường ra biển đã hoàn thành giai đoạn 1; bên cạnh đó là dự án Khu công nghiệp - đô thị - cảng Hiệp Phước với cụm cảng container đầu tiên được khánh thành giai đoạn 1 vào đầu năm 2010 và việc thông xe tuyến đường Bắc - Nam giai đoạn 2 kết nối trung tâm TP với cụm cảng này trong thời gian chỉ 30 phút đã mở ra một bước phát triển mới cho TP Hồ Chí Minh hướng ra biển.
Tiến ra biển là xuôi về phía Nam, vùng đất trũng của TP. Theo các chuyên gia, sự phát triển ở vùng trũng không chỉ khó khăn cho việc xây dựng chính khu đất đó mà nếu không nghiên cứu kỹ còn làm hạn chế dòng nước chảy, gây ngập lụt cho TP. Trong khi đó, vấn đề ngập lụt ngày càng nặng. Theo Giám đốc Sở TN-MT TP Đào Anh Kiệt, hiện tại có 154 xã, phường (gần 50%) của TP Hồ Chí Minh thường xuyên bị ngập úng. Đến năm 2050, dự báo con số này là 177 phường, xã (chiếm 61%). Để đối phó với tình trạng này, TP Hồ Chí Minh đã xây dựng chương trình thích ứng với BĐKH với các mục tiêu kế hoạch hành động với 6 nội dung về quy hoạch, năng lượng, quản lý chất thải, nông nghiệp, quản lý nước và nhận thức chia làm 3 giai đoạn từ nay đến năm 2015.
Biến nước thành cơ hội
Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Thái Lai cho rằng, BĐKH là nguy cơ lớn của Việt Nam, nhưng cũng là cơ hội để nắm lấy và phát triển. Với kinh nghiệm là một TP có truyền thống lâu đời về trị thủy, biển và sông, ông Arnoud Molenaar, Giám đốc phụ trách ứng phó BĐKH của TP Rotterdam (Hà Lan) cho rằng, khi điều kiện phát triển nằm trên một vùng đất trũng hoặc nước thì không nên "bó tay" mà phải biến nước thành cơ hội, mang lại nguồn lợi cho mình. Hà Lan là đất nước đã thành công với điều này khi giao thông thủy mang lại hơn 2 triệu euro mỗi ngày. Với tiềm năng to lớn đó, đất nước nằm thấp hơn mực nước biển này đã phát triển ra biển từ nhiều thập kỷ nay và sẽ tiếp tục phát triển hướng ra biển. Theo ông Arnoud Molenaar, ưu điểm vùng trũng cũng chính là ưu thế của TP Hồ Chí Minh, TP muốn có cảng nước sâu để phát triển kinh tế thì phải hướng ra biển, biến nước thành cảng cho tàu bè đi lại, biến nguy cơ thành cơ hội cho mình.
Trong chiến lược phát triển, TP Hồ Chí Minh đã tính đến điều này và chia ra từng vùng để quy hoạch chiều cao đất xây dựng. Theo đó, cao độ xây dựng sẽ từ 2 đến 2,5m. Theo bà Vũ Thúy Hải, Phân viện Quy hoạch đô thị và nông thôn (Bộ Xây dựng) cao độ xây dựng theo quy hoạch đã được căn cứ trên dữ liệu thống kê tần suất ngập hiện có, trên mực nước biển dâng đến năm 2025 cộng thêm phần an toàn. Khi đó, khu đô thị mới sẽ được xây dựng trên phần cao độ được thiết kế này; còn đối với phần đô thị hiện hữu là bài toán chống ngập đang được giải quyết với giải pháp đê bao ngăn triều, cống…
Phát triển kinh tế hướng ra biển là hướng đi đúng của TP. Tuy nhiên, để phát triển bền vững thì chiến lược và biện pháp thực hiện phải hợp lý, có tầm nhìn xa, trong đó quan trọng nhất là TP không phải chịu cảnh ngập lụt và môi trường sinh thái được bảo đảm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.