(HNM) - Mạng lưới y tế cơ sở (YTCS) được Bộ Y tế đánh giá là
Thế nhưng, tại hội nghị tham vấn các giải pháp xây dựng và phát triển YTCS trong tình hình mới diễn ra tuần qua, một lần nữa khẳng định hệ thống YTCS chưa đủ lực để đảm đương gánh vác nhiệm vụ là "xương sống" trong bảo đảm chăm sóc sức khỏe cơ bản với chi phí phù hợp cho người dân.
Vượt tuyến để chữa… viêm họng
Do thiếu tin tưởng vào hệ thống YTCS nên ngay cả khi chỉ mắc những bệnh thông thường, người dân vẫn thường chấp nhận tốn kém để đến các bệnh viện tuyến trên khám chữa. Đại diện Tổ chức JICA (Nhật Bản) tại Việt Nam dẫn chứng, ngay cả bệnh viêm họng, hoàn toàn có thể chữa được ở cơ sở y tế tuyến xã nhưng người dân vẫn vượt tuyến. Các nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy, 70% số bệnh nhân vượt tuyến ở bệnh viện trung ương có thể điều trị tại cơ sở y tế tuyến dưới; 81,8% số bệnh nhân vượt tuyến ở bệnh viện cấp tỉnh có thể điều trị ở huyện, xã và 67,9% số bệnh nhân vượt tuyến ở huyện có thể điều trị ngay tại xã.
Thăm khám bệnh nhi tại Trạm y tế xã Vạn Thắng (huyện Ba Vì).Ảnh: Bá Hoạt |
Khẳng định vai trò của YTCS, đặc biệt ở khu vực nông thôn, miền núi, nhưng Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thẳng thắn thừa nhận, hệ thống YTCS nước ta hiện nay vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập. Cụ thể, mạng lưới YTCS còn cồng kềnh, chưa thống nhất, thiếu thốn về cơ sở vật chất, cán bộ chuyên môn, quản lý chồng chéo… Trong khi đó, việc đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ y tế tuyến xã, tuyến huyện còn chưa được chú trọng nên còn hạn chế về chất lượng chuyên môn, chưa tạo được niềm tin cho người dân.
Trạm y tế "2 trong 1": Có thành hiện thực?
Đổi mới chính sách, cơ chế hoạt động hướng tới xây dựng trạm y tế hai chức năng (gồm: Dự phòng và khám chữa bệnh) là phương án được Bộ Y tế đưa ra nhằm phát triển, nâng cao năng lực cho hệ thống YTCS. Cụ thể là thí điểm và mở rộng mô hình theo dõi, quản lý, chăm sóc sức khỏe cho cá nhân và hộ gia đình; lồng ghép, bổ sung nhiệm vụ của phòng khám bác sĩ gia đình vào trạm y tế tuyến xã để bảo đảm việc chăm sóc sức khỏe liên tục, gắn kết giữa chăm sóc sức khỏe tại nhà, tại cộng đồng với trạm y tế và bệnh viện, đặc biệt là với các bệnh không lây nhiễm, bệnh mạn tính.
Chia sẻ kinh nghiệm về áp dụng mô hình "2 trong 1" này, Giám đốc Sở Y tế Lai Châu Nguyễn Công Huấn cho hay, mô hình sẽ giúp công tác quản lý được bao quát cả về tình hình sức khỏe nhân dân và tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Về phía người dân cũng sẽ được hưởng nhiều ưu đãi hơn trong việc thanh toán bảo hiểm y tế khi khám, chữa bệnh tại tuyến cơ sở. "Sự kết hợp này còn giải quyết cả tình trạng thiếu trang thiết bị y tế ở tuyến cơ sở. Cụ thể, một phòng xét nghiệm có thể vừa xét nghiệm cho bệnh nhân đến khám và điều trị vừa xét nghiệm các vấn đề dự phòng bệnh, vệ sinh môi trường…", ông Nguyễn Công Huấn nói.
Thế nhưng, vấn đề đặt ra ở đây vẫn là bài toán nguồn nhân lực. Bởi nếu hệ thống YTCS hoạt động với mô hình "2 trong 1" thì cần phải có đội ngũ nhân viên y tế đủ mạnh và giỏi chuyên môn. Đánh giá cao vai trò của YTCS nhưng Bộ Y tế thừa nhận một thực tế bất cập, đó là nhiều bệnh viện, trung tâm y tế huyện phải chuyển người bệnh lên tuyến trên, chủ yếu do thiếu cán bộ có trình độ. Đại diện Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng lý giải nguyên nhân các bác sĩ không chịu về tỉnh hay bệnh viện địa phương làm việc là mức lương thấp, chỉ 5-6 triệu đồng/tháng, trong khi đó nếu làm việc cho các bệnh viện tư ở những thành phố lớn thì mức lương có thể gấp 4 lần. Như vậy, vấn đề đặt ra là bảo đảm chế độ đãi ngộ để các bác sĩ có chuyên môn tốt yên tâm công tác ở tuyến dưới, có vậy mới hy vọng mô hình trạm y tế "2 trong 1" trở thành hiện thực.
* Theo Bộ Y tế, tính đến nay, 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn trên cả nước đã có cán bộ y tế nhưng chỉ 60% đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã. Hiện vẫn còn tới 40% xã chưa đạt do hạn chế về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu. 90% thôn, bản có cán bộ y tế nhưng tỷ lệ được đào tạo theo quy định mới chỉ đạt ở khoảng 69%. * Trong giai đoạn 2016-2020, Bộ Y tế đặt ra mục tiêu, phấn đấu mỗi cán bộ YTCS được dự ít nhất 1-2 lớp tập huấn; luân chuyển, điều động bác sĩ y tế xã với bệnh viện và ngược lại để phát huy hiệu quả nguồn nhân lực. Ngoài ra, cần tăng cường đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị cho các bệnh viện, trung tâm y tế ở các huyện, trạm y tế xã với tổng kinh phí ước tính hơn 28 nghìn tỷ đồng. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.