(HNMCT) - Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch khai thác nguồn tài nguyên sẵn có với sự tham gia của cộng đồng dân cư - những người trực tiếp tham gia và hưởng lợi từ hoạt động du lịch. Kinh nghiệm cho thấy, để du lịch cộng đồng phát triển bền vững, cần trao cho cộng đồng "chiếc cần câu” thay vì “con cá”, để họ phát huy vai trò chủ thể.
Nguồn sinh kế bền vững
Nhiều năm trước, ít ai biết đến các xóm, bản thuộc huyện vùng cao nghèo Đà Bắc, nằm ven vùng lòng hồ Hòa Bình như xóm Sưng (xã Cao Sơn), xóm Đá Bia (xã Tiền Phong), xóm Ké (xã Hiền Lương)... Đây là nơi sinh sống chủ yếu của người Dao, Mường, Tày, Thái..., trong đó có hơn 50% là hộ nghèo. Nhờ sở hữu lợi thế về cảnh quan thiên nhiên đa dạng và bản sắc văn hóa của các dân tộc còn được giữ gìn tốt, tháng 6-2014, Đà Bắc đã được Action on Poverty (AOP) - tổ chức phi chính phủ của Australia hỗ trợ về tài chính và tư vấn kỹ thuật để phát triển du lịch, tìm phương án tạo sinh kế bền vững cho người dân nơi đây.
Các chuyên gia thực hiện dự án đã tư vấn cho cộng đồng để cải tạo nhà làm nơi lưu trú phục vụ khách, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ du lịch cho người dân. Nhờ đó, người dân đã biết cách làm du lịch một cách bài bản. Sau một thời gian, dự án Du lịch cộng đồng Đà Bắc đã thu được kết quả đáng khích lệ với hơn 140 hộ tham gia vào hoạt động du lịch cộng đồng, bao gồm 13 hộ homestay cung cấp nơi lưu trú và phục vụ ăn uống cùng các hộ tham gia tổ cung cấp dịch vụ như tiếp đón và hướng dẫn viên, cho thuê thuyền kayak, bè mảng; đội văn nghệ; tổ xe ôm; tổ cung cấp sản phẩm hàng hóa, nông thủy sản địa phương... Đặc biệt, năm 2019, mô hình du lịch cộng đồng xóm Đá Bia được nhận giải thưởng Du lịch cộng đồng ASEAN, cho thấy sự phát triển du lịch cộng đồng bài bản tại đây. Từ thành công ở Đà Bắc, Tổ chức AOP đã nhân rộng mô hình sang Sơn La, Lai Châu, Điện Biên...
Đồng hành cùng người dân Đà Bắc nhiều năm qua, Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch cộng đồng Đà Bắc Đinh Thị Hảo cho rằng: “Thay vì mang đến cho người dân “con cá”, dự án mang “cần câu” thông qua việc hỗ trợ về chuyên môn, kỹ thuật để người dân tự làm, tự quyết định mọi việc với sự chung tay của chính quyền. Được trang bị kiến thức cần thiết, cộng đồng có thể tự vận hành hệ thống mà không cần sự hỗ trợ của các chuyên gia sau khi dự án kết thúc” - bà Hảo chia sẻ.
Tương tự, 3 năm qua, Trung tâm Phát triển kinh tế nông thôn (CRED) đã đồng hành cùng người dân hai tỉnh Lào Cai, Sơn La phát triển du lịch cộng đồng nhằm xóa đói giảm nghèo, cải thiện vị thế của phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số thông qua chương trình Bình đẳng giới trong nông nghiệp và du lịch (GREAT). Chỉ riêng tại huyện Bắc Hà (tỉnh Lào Cai) đến nay đã thành lập được 6 tổ hợp tác du lịch với 21 tổ nhóm ngành nghề, 540 người được vay vốn, 800 lượt người được nâng cao năng lực thông qua 35 khóa đào tạo kỹ năng về du lịch cộng đồng, 10.000 người dân được tiếp cận thông tin về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình... Bên cạnh đó, CRED còn hỗ trợ cộng đồng xây dựng website, bản đồ du lịch số trong đó hệ thống hóa các homestay, điểm du lịch, nhà hàng, dịch vụ vận chuyển nhằm quảng bá tới du khách. Theo bà Thái Thị Huyền Nga, phụ trách Dự án Nâng cao kinh tế và vị thế phụ nữ dân tộc thiểu số thông qua phát triển du lịch cộng đồng tại Bắc Hà, sau 3 năm triển khai thực hiện, dự án đã góp phần thay đổi đáng kể vị thế của người phụ nữ trong gia đình, thu nhập của người dân cũng tăng lên nhờ du lịch cộng đồng.
Sau hơn 20 năm du nhập vào Việt Nam, du lịch cộng đồng ngày càng được mở rộng trên cả nước, trong đó, phát triển mạnh nhất là ở khu vực miền núi phía Bắc với Hà Giang, Lai Châu, Lạng Sơn, Sơn La, Cao Bằng, Bắc Kạn, Điện Biên... Khu vực miền Trung - Tây Nguyên có Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng, Đắc Lắc, Kon Tum. Khu vực miền Nam là các tỉnh Đồng Tháp, Bến Tre, An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang... Thực tế cho thấy, du lịch cộng đồng không chỉ đem lại lợi ích về kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho người dân mà còn góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và bảo vệ cảnh quan sinh thái, môi trường tự nhiên.
Làm sao để phát triển bền vững?
Bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động du lịch cộng đồng tại Việt Nam còn tồn tại nhiều hạn chế như: Chưa có sự đầu tư bài bản, không có quy hoạch tổng thể ở cấp tỉnh, thành phố và vùng miền, dẫn đến tình trạng khai thác quá đà nguồn tài nguyên thiên nhiên và có thể làm biến dạng văn hóa; sản phẩm, dịch vụ nghèo nàn, trùng lặp; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu; hạ tầng giao thông chưa phát triển... Ở nhiều nơi, việc chia sẻ lợi ích giữa các bên còn thiếu tính minh bạch, sự liên kết giữa chính quyền địa phương - cộng đồng - doanh nghiệp thiếu tính bền vững. Một số địa phương chạy theo thành tích, xây dựng nhiều mô hình thiếu tính thực tế, người dân không được trao quyền nên mô hình du lịch cộng đồng “chết yểu” sau một thời gian ngắn. Ngược lại, ở nhiều nơi phát triển quá “nóng” khiến cung lớn hơn cầu, cạnh tranh thiếu lành mạnh, làm giảm giá trị cảnh quan, môi trường và văn hóa bản địa. Tình trạng bê tông hóa, mật độ xây dựng lớn, kiến trúc lai căng và xuất hiện những loại hình giải trí không phù hợp... đã làm mai một bản sắc văn hóa địa phương, khiến du khách không muốn quay lại.
Để phát triển du lịch cộng đồng một cách bền vững, Thạc sĩ Lê Hoàng Anh, Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) cho rằng: “Mỗi địa phương cần xây dựng phương án lựa chọn loại hình sản phẩm làm định hướng phát triển du lịch cộng đồng. Để làm được điều đó, cần có sự nghiên cứu cụ thể ở nhiều lĩnh vực như cuộc sống cư dân bản địa, văn hóa, ẩm thực đặc trưng, phong tục, tập quán sinh hoạt... nhằm định hướng các giá trị cốt lõi của cộng đồng, giữ gìn và phát triển không gian văn hóa để nuôi dưỡng, bảo tồn và phát huy những giá trị ấy”. Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), cần đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến phát triển du lịch cộng đồng. Cùng với đó là chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế để thu hút vốn đầu tư phục vụ phát triển du lịch cộng đồng. “Các nhà đầu tư du lịch cộng đồng phải tôn trọng tự nhiên, tôn trọng bản sắc văn hóa và cộng đồng dân cư; tránh kiểu đầu tư manh mún, chộp giật, chỉ quan tâm đến lợi nhuận” - ông Long nói.
Đề cập tới tầm quan trọng của du lịch cộng đồng trong sự phát triển chung của ngành Du lịch, Tiến sĩ Vũ Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch (Tổng cục Du lịch) cho rằng: Du lịch cộng đồng cần được coi trọng và là một trong những nội dung không thể thiếu trong các chính sách phát triển du lịch của Việt Nam trong thời gian tới, trong các chiến lược và đề án phát triển du lịch của các địa phương. Theo đó, chính sách phát triển du lịch cộng đồng cần được lồng ghép trong các chính sách khác về phát triển vùng, phát triển cộng đồng, chính sách xây dựng nông thôn mới, các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp và nông thôn, các chính sách liên quan đến bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc, chính sách đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, chính sách xóa đói giảm nghèo... Nhà nước cần có chính sách đầu tư, hỗ trợ thích đáng để khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng, bao gồm từ đầu tư về cơ sở hạ tầng, giao thông đến hỗ trợ về đào tạo, phát triển dịch vụ, khôi phục và phát triển nghề truyền thống, hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết cho phát triển du lịch cộng đồng.
“Nhà nước cần có hướng dẫn và có các quy định đối với cộng đồng cư dân trong hoạt động du lịch để tránh tình trạng lai căng, du nhập văn hóa không lành mạnh, bảo vệ và giữ gìn môi trường xã hội - nhân văn, văn hóa bản địa, bảo vệ môi trường thiên nhiên. Cần có quy định và hướng dẫn để khách du lịch hiểu, tôn trọng luật pháp Việt Nam cũng như phong tục, tập quán địa phương. Việc phát triển du lịch cộng đồng không nên làm ồ ạt theo phong trào mà cần có sự chuẩn bị bài bản, nhất là về công tác tìm hiểu thị trường khách, quảng bá, điều kiện phục vụ khách. Không tính đầy đủ các yếu tố này thì dễ thất bại”.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Đính, Hiệp hội Du lịch Việt Nam
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.