(HNM) - Theo kế hoạch, cả nước sẽ có khoảng 600.000 doanh nghiệp (DN) vào năm 2015. Mục tiêu này có đạt được hay không phụ thuộc vào kết quả phát triển DN ở từng địa phương. Hà Nội sẽ là nơi đóng góp nhiều DN nhưng, vấn đề đặt ra là làm sao có thể hình thành đội ngũ DN đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng.
Sản xuất các thiết bị tại Công ty TNHH Sông Công (Hà Nội). Ảnh: Thái Hiền |
Xác định tầm quan trọng của DN
Đến nay, Hà Nội có gần 100.000 DN nhỏ và vừa, chủ yếu thuộc khu vực dân doanh và là địa phương có nhiều DN nhất nước. Lực lượng DN này tạo ra nguồn thu quan trọng, góp phần bảo đảm ngân sách, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội. Hơn thế, chính các DN là nhân tố quyết định đà tăng trưởng kinh tế Hà Nội thường xuyên cao gấp 1,5-1,8 lần so với mức tăng GDP cả nước, đồng thời đưa Thủ đô trở thành đô thị có quy mô kinh tế lớn thứ 2 (sau TP Hồ Chí Minh).
Mới đây, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt kế hoạch phát triển DN nhỏ và vừa giai đoạn 2011-2015 gồm nhiều nội dung quan trọng. Đó là, phấn đấu mỗi năm tăng 7% DN thành lập mới, có 8-10% số DN nhỏ và vừa trực tiếp tham gia xuất khẩu, đóng góp 30% tổng ngân sách TP và tạo thêm 700.000 chỗ làm việc. Các chuyên gia nhận định, về lâu dài, Hà Nội vẫn cần theo đuổi mục tiêu phát triển những ngành sản xuất có hàm lượng chất xám cao, đạt giá trị gia tăng lớn.
Tập trung hỗ trợ DN toàn diện
Nhìn từ góc độ khách quan, tình hình đăng ký thành lập DN mới trong năm 2012 giảm đáng kể so với năm trước, với việc thành lập mới 15.000 DN thông qua số vốn đăng ký 83.000 tỷ đồng, bằng 90% về số DN và 70% về vốn đăng ký của năm trước. Xu hướng này được dự báo còn tiếp diễn, thậm chí có thể thấp hơn trong năm nay do nền kinh tế cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng chưa thoát khỏi khó khăn.
Từ thực tiễn và yêu cầu phát triển DN theo hướng lâu dài, bền vững, TP đã đưa ra một số giải pháp hỗ trợ DN gồm: Hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến quá trình gia nhập, hoạt động và rút lui khỏi thị trường của DN. Hỗ trợ DN trong tiếp cận nguồn tín dụng và mặt bằng sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ DN đổi mới công nghệ và áp dụng công nghệ mới; chủ động phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản trị cho DN; cung cấp thông tin thị trường và xúc tiến thương mại; xây dựng hệ thống các tổ chức chuyên trợ giúp DN và quản lý việc thực hiện kế hoạch phát triển DN trên địa bàn.
UBND TP nhấn mạnh sẽ ưu tiên giải quyết một số công việc trong thời gian tới, như thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển DN, đẩy mạnh chương trình đổi mới và ứng dụng công nghệ mới với các loại trang, thiết bị hiện đại. Năm 2013, lãnh đạo TP sẽ gia tăng các cuộc gặp, đối thoại để nắm bắt tình hình, tiếp thu và giải quyết vướng mắc cho DN, nhất là đáp ứng tốt hơn những nhu cầu về thủ tục hành chính, thuế, hải quan... Bên cạnh đó, TP sẽ chủ động quảng bá và mời gọi đối tác quốc tế đầu tư, thiết lập quan hệ kinh doanh với DN Hà Nội, tận dụng thời cơ để đón đầu chuyển giao công nghệ kết hợp giới thiệu khả năng cũng như sản phẩm của DN Hà Nội.
Theo các chuyên gia, cần lưu tâm thỏa đáng đến việc thúc đẩy nhà đầu tư thành lập DN thuộc lĩnh vực công nghiệp phụ trợ. Khi tạo dựng được lực lượng DN phụ trợ hùng mạnh thì ngành sản xuất công nghiệp Thủ đô sẽ chủ động và tự bảo đảm được nguồn cung các loại linh kiện, phụ tùng, từ đó thiết lập được thị trường sản phẩm/linh kiện công nghiệp hoạt động theo đơn đặt hàng giữa các đơn vị. Đặc biệt, TP đạt mục tiêu có 300 DN công nghiệp phụ trợ vào cuối năm 2015 nhằm tạo nền tảng cho ngành chế tạo cơ khí, lắp ráp sản phẩm công nghiệp điện tử - bán dẫn, sản xuất đồ gia dụng, đồng thời góp phần tăng tốc thực hiện CNH-HĐH Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.