Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển đô thị cần phải khắc phục những mặt trái

L.H| 30/10/2012 20:59

(HNMO) – “Cùng với quá trình phát triển kinh tế và đô thị hóa nhanh, Hà Nội đang phải đối mặt với nhiều hệ lụy phát sinh như: sự gia tăng đột biến dân số cơ học do làn sóng di cư vào TP đã dẫn đến sự quá tải về hạ tầng xã hội...

“Bên cạnh đó hệ thống giao thông công cộng chậm phát triển; ô nhiễm môi trường sông hồ, khói bụi ngày càng trầm trọng do các phương tiện giao thông, các cơ sở sản xuất chưa di chuyển”...

Đó là một trong lời phát biểu của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo tại Hội nghị đô thị Việt Nam 2012 do Bộ Xây dựng phối hợp với Diễn đàn đô thị Việt Nam và Liên minh các thành phố thế giới (CA) tổ chức ngày 30/10 tại Hà Nội.

Hội nghị có chủ đề "Tương lai đô thị Việt Nam - Hành động hôm nay". Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng là Chủ tịch Diễn đàn đô thị Việt Nam; Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cùng đại diện lãnh đạo Hiệp hội các đô thị Việt Nam, Ngân hàng thế giới (WB), Liên hiệp quốc... cùng đông đảo các đại biểu trong nước và quốc tế đã tham dự hội nghị.

Hội nghị là hoạt động kỷ niệm ngày Đô thị Việt Nam (8/11), cũng là Hội nghị thường niên Liên minh các thành phố (CA) được tổ chức tại Hà Nội, mục tiêu hỗ trợ cho Diễn đàn đô thị Việt Nam và tăng cường mạng lưới hơp tác quốc tế trong xu thế hội nhập; tạo cơ hội cho các đối tác trong và ngoài nước đóng góp cho tương lại đô thị Việt Nam tốt đẹp và phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, hội nghị là sáng kiến rất hữu ích, là dịp để các nhà hoạch định chính sách, các nhà đầu tư, các chuyên gia và các tổ chức xã hội nghề nghiệp tham gia ý kiến, đóng góp ý tưởng, chia sẻ kinh nghiệm, hướng tới sự phát triển bền vững của các đô thị nói riêng, các quốc gia nói chung…

Hội nghị Đô thị Việt Nam 2012 có 3 phiên thảo luận là: Phát triển TP sinh thái ứng phó với biến đổi khí hậu; Vai trò và năng lực quản lý của chính quyền địa phương trong phát triển đô thị; Cạnh tranh lành mạnh – Huy động tối đa nguồn lực phát triển và nâng cấp đô thị.


Hà Nội tiên phong khắc phục những bất cập, phát triển đô thị bền vững

Khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo đã có bài phát biểu quan trọng với nội dung "Phát triển Thủ đô Hà Nội và đề xuất những hành động cấp bách đối với công tác quản lý, phát triển các đô thị lớn tại Việt Nam".

Theo Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo, để khắc phục tình trạng bất cập đã nói trên và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, trong Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, cũng như Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt, xác định: Xây dựng Thủ đô Hà Nội phát triển bền vững, có hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, phát triển hài hòa giữa văn hóa, bảo tồn di sản, di tích lịch sử, với phát triển kinh tế, trong đó chú trọng kinh tế tri thức và bảo vệ môi trường...; Xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố "Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; đô thị phát triển năng động, hiệu quả, có môi trường sống, sinh hoạt, giải trí với chất lượng cao và môi trường đầu tư thuận lợi, có sức cạnh tranh cao trong nước, khu vực quốc tế.

Cấu trúc Hà Nội dựa trên các yếu tố của đô thị thế kỷ 21 là sự kết nối mạng đa cực, đa trung tâm, đa tầng bậc. Khu vực thành phố trung tâm mở rộng về phía Tây và phía Bắc sông Hồng; hình thành 5 đô thị vệ tinh, đô thị sinh thái, các vành đai xanh, hành lang xanh, cải tạo sông hồ; xây dựng mạng lưới giao thông và hạ tầng kỹ thuật hiện đại kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh, các đô thị trong vùng. Đây là những mục tiêu cơ bản và cũng là định hướng chiến lược cho phát triển của Thủ đô.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo cũng nhấn mạnh, với nhận thức "Tương lai phụ thuộc vào hành động của chúng ta ngày hôm nay" và để thực hiện những nhiệm vụ cơ bản cả trước mắt và lâu lài, Thành phố Hà Nội đang tập trung vào đẩy mạnh công tác quy hoạch, cụ thể hóa quy hoạch chung thành các quy hoạch phân khu, quy hoạch chung các quận, huyện, quy hoạch đô thị và nông thôn, xây dựng các quy chế quản lý quy hoạch, quản lý đô thị.

Thành phố cũng tiếp tục huy động các nguồn lực, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, trong đó, ưu tiên cho mạng lưới giao thông, hạ tầng xã hội trường học, bệnh viện...; Cải tạo và nâng cấp hệ thống cấp nước, thoát nước, công viên cây xanh, sông, hồ; Di chuyển các cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường, một số cơ quan, trường đại học, bệnh viện lây nhiễm ra bên ngoài nhằm giảm mật độ dân cư trong nội đô và khắc phục ô nhiễm môi trường... Đồng thời, Thành phố cũng nâng cao năng lực quản lý trên các lĩnh vực như quy hoạch, đất đai, môi trường, dân số... và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm tạo sự đồng thuận xã hội và nâng cao ý thức thực hiện nếp sống văn minh đô thị với người dân.

Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo khẳng định, trong quá trình phát triển, TP Hà Nội mong muốn, tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác với các tổ chức, các đô thị trong cả nước và trên thế giới để thực hiện các mục tiêu trên.

VN phát triển đô thị theo hướng xanh, sinh thái, bền vững…

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng bày tỏ: Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới đang diễn biến phức tạp ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều đô thị, đô thị Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức trong quá trình đô thị hóa.

Theo đó, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo: Việc tìm ra những mô hình phát triển đô thị tiên tiến như đô thị sinh thái, đô thị xanh, đô thị bền vững, đô thị cân bằng… mà ở đó con người là trung tâm của sự phát triển là những mục tiêu quan trọng trong các định hướng chiến lược về phát triển đô thị trên thế giới. Tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững, đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững, góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu. Việc đạt được các chỉ tiêu chủ yếu về môi trường, xây dựng công trình xanh, sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường, phát triển đô thị sinh thái….là một trong những nhiệm vụ quan trọng để thực hiện Chiến lược này.

Về định hướng phát triển đô thị Việt Nam trong những năm tiếp theo, Bộ trưởng nhấn mạnh: Việt Nam luôn chủ trương phát triển hài hoà, bền vững giữa các vùng, xây dựng đô thị và nông thôn mới, có cơ chế, chính sách phù hợp để các vùng trong cả nước cùng phát triển, phát huy lợi thế và tạo sự liên kết giữa các vùng. Mục tiêu phát triển được đặt ra là từng bước hình thành hệ thống đô thị có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường gồm một số thành phố lớn, nhiều thành phố vừa và nhỏ liên kết và phân bố hợp lý trên các vùng; chú trọng phát triển đô thị miền núi, phát triển mạnh các đô thị ven biển.

Tại hội nghị, đại diện Liên Hợp quốc cũng bày tỏ ý kiến ủng hộ: Chúng ta không thể hành động đơn lẻ mà cần chung tay chung sức Chính phủ, chính quyền, các tổ chức, cá nhân và toàn thể xã hội cùng xây dựng và bảo vệ đô thị. Thế giới đang trở thành đô thị toàn cầu chứ không phải làng toàn cầu, đô thị thành trung tâm chương trình biến đổi khí hậu. Việc thích ứng, giảm thiểu biến đổi khí hậu là động cơ quốc gia, trọng tâm của địa phương. Hy vọng Việt Nam tiếp tục chủ động cùng các bên liên quan thúc đẩy phát triển đô thị bền vững.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát triển đô thị cần phải khắc phục những mặt trái

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.