(HNM) - Xây dựng chính phủ điện tử không chỉ nâng cao hiệu quả điều hành của Chính phủ, chính quyền, mà còn cung cấp dịch vụ công thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Thành Phúc - Cục trưởng Cục Tin học hóa (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, Bộ đã làm việc trực tiếp với các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn nhằm đẩy mạnh phát triển chính phủ điện tử chuẩn bị cho chính phủ số, kinh tế số...
Những kết quả bước đầu
- Là thành viên của Tổ công tác trực tiếp triển khai các nhiệm vụ của Ủy ban quốc gia về chính phủ điện tử, ông có thể đánh giá về quá trình xây dựng chính phủ điện tử thời gian qua?
- Việc xây dựng, phát triển chính phủ điện tử thời gian qua đã đạt nhiều kết quả tích cực, đặc biệt trong chỉ đạo điều hành, tạo lập cơ sở pháp lý cho triển khai chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.
Ở góc độ quản lý nhà nước, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 17/NQ-CP (ngày 7-3-2019) về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025. Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ủy ban quốc gia về chính phủ điện tử do Thủ tướng làm Chủ tịch. Điều này thể hiện quyết tâm của người đứng đầu chính phủ trong việc xây dựng chính phủ điện tử. Bộ Thông tin và Truyền thông - cơ quan thường trực triển khai - đã làm việc trực tiếp với các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thể hiện cách làm mới nhằm đẩy nhanh tiến trình phát triển chính phủ điện tử.
Từ những cơ sở ban đầu đó, đến nay đạt một số kết quả như: Đã hình thành văn hóa sử dụng văn bản điện tử liên thông; thúc đẩy xây dựng các cơ sở dữ liệu và kết nối chia sẻ dữ liệu; ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước; việc đổi mới lề lối, phương thức làm việc tiếp tục được tăng cường. Cùng với đó, việc bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng tiếp tục được chú trọng (số cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam đã giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm 2018); Cổng dịch vụ công quốc gia vừa khai trương ngày 9-12-2019...
- Tuy đã có những cải thiện bước đầu, nhưng vẫn còn nhiều việc chưa làm được trong triển khai chính phủ điện tử. Ông có thể nói rõ hơn về điều này và cho biết đâu là nguyên nhân?
- Ngoài các kết quả đạt được, việc triển khai chính phủ điện tử còn một số tồn tại. Đó là sự phát triển thiếu đồng bộ của công nghệ và thể chế. Trong khi công nghệ phát triển nhanh, nhiều hệ thống thông tin, ứng dụng đã sẵn sàng, nhưng thực tế việc xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật là cơ sở pháp lý cho việc triển khai còn chậm. Điển hình như các quy định về văn thư, lưu trữ điện tử, bảo vệ thông tin cá nhân; các mục tiêu về tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 thấp; vấn đề an toàn thông tin nhiều nơi chưa thực sự quan tâm...
Về nguyên nhân, do quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về chính phủ điện tử đòi hỏi sự đồng thuận của nhiều đối tượng, nhiều cấp nên mất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, hiện chưa có quy định về thanh toán chi phí cho nhà cung cấp dịch vụ thanh toán trung gian để thực hiện thanh toán điện tử đối với dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Trong khi đó, người đứng đầu nhiều cơ quan chưa trực tiếp chỉ đạo, hoặc chỉ đạo chưa quyết liệt việc ứng dụng công nghệ thông tin, chưa làm gương sử dụng các ứng dụng chính phủ điện tử phục vụ chỉ đạo, điều hành. Cán bộ, công chức một số nơi vẫn có thói quen làm việc cũ, ngại dùng công nghệ do lo ngại mất quyền kiểm soát, mất vai trò và khi công khai, minh bạch sẽ bị giám sát...
- Thực tế hiện nay, tỷ lệ người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến còn thấp. Vậy, cách nào để khuyến khích mọi người sử dụng các ứng dụng này?
- Để người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến phụ thuộc nhiều yếu tố như tính sẵn sàng, dễ sử dụng, sự minh bạch của hệ thống và quan trọng nhất là làm thế nào để người dân thấy tiện dụng hơn việc phải mang hồ sơ đến các điểm “một cửa”...
Tôi cho rằng để thúc đẩy người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, cần triển khai nhiều giải pháp. Trước hết, phải chuẩn hóa thủ tục, chuẩn hóa hệ thống để mọi người đều dễ dàng sử dụng, gồm cả việc thanh toán trực tuyến, gửi hồ sơ đăng ký và nhận kết quả từ xa một cách thuận lợi. Việc này cần thực hiện triệt để, tránh tâm lý “ngại” của người dân khi sử dụng trực tuyến nhưng vẫn phải đến điểm “một cửa” để trực tiếp thực hiện một công đoạn nào đó.
Cùng với đó, cần hướng đến số hóa các hồ sơ tài liệu thay vì sử dụng hồ sơ giấy và nên nghiên cứu để xem xét giảm lệ phí thực hiện các dịch vụ; đồng thời cần đẩy mạnh truyền thông, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ này. Khi thấy thuận tiện, chắc chắn người dân sẽ tham gia nhiều hơn các dịch vụ công trực tuyến.
Lấy người dân làm trung tâm
- Với vai trò là “nhạc trưởng” trong triển khai chính phủ điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa ra giải pháp gì để thúc đẩy phát triển chính phủ điện tử?
- Giải pháp chủ yếu là triển khai điểm để phổ biến cách làm mới. Hiện nay Bộ đang triển khai điểm mô hình chính phủ điện tử, chính quyền điện tử tại Bộ và một vài địa phương trên cả nước. Căn cứ kết quả thí điểm sẽ đánh giá để rút kinh nghiệm, hoàn thiện mô hình và phổ biến nhân rộng cách làm mới, hiệu quả trên toàn quốc. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp các bộ, ngành, địa phương để xác định những vướng mắc và cùng tháo gỡ “nút thắt” trong phát triển chính phủ điện tử; tổ chức các đoàn công tác của Ủy ban quốc gia về chính phủ điện tử kiểm tra, đôn đốc việc triển khai của các bộ, ngành, địa phương.
Bộ cũng đã lập kế hoạch phát triển chính phủ điện tử, xây dựng thể chế, giám sát, phát hiện mô hình triển khai chính phủ điện tử thành công để nhân rộng. Phát triển các nền tảng, ứng dụng dùng chung ở trung ương để không đầu tư trùng lặp ở các tỉnh. Đồng thời, hướng dẫn các địa phương chi thường xuyên tối thiểu 1% ngân sách cho việc thực hiện chính quyền điện tử; có mục chi hằng năm cho chính phủ điện tử, sử dụng Quỹ viễn thông công ích cho chính phủ điện tử, an toàn thông tin. Ngoài ra, Bộ cũng đào tạo 100 chuyên gia chính phủ điện tử (mỗi bộ, ngành, địa phương 1 chuyên gia) làm đội ngũ nòng cốt để triển khai. Bộ cũng đã có định hướng và chỉ đạo xây dựng đô thị thông minh gắn với phát triển chính quyền điện tử...
- Đó cũng là lý do mà Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với một số bộ, ngành, địa phương khai trương một số dịch vụ trong thời gian gần đây phải không, thưa ông?
- Vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bộ Tư pháp khai trương cơ sở dữ liệu chuyên ngành bảo hiểm xã hội và kết nối liên thông hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch thông qua hệ thống kết nối, liên thông các hệ thống thông tin ở trung ương và địa phương (NGSP). Sự phối hợp này nhằm kết nối, chia sẻ thông tin đăng ký khai sinh phục vụ cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi. Đến hết năm 2019, sẽ liên thông dịch vụ đăng ký khai sinh, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi cho tất cả địa phương trên cả nước.
Việc kết nối hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch (đến cấp phường, xã) với hệ thống cơ sở dữ liệu ngành bảo hiểm (đến cấp quận, huyện) là một bước tiến lớn trong công tác kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương so với năm 2018. Theo thống kê của Bộ Tư pháp, hằng ngày có khoảng 8.000 hồ sơ khai sinh cho trẻ em dưới 6 tuổi phát sinh mới có thể chuyển sang bảo hiểm xã hội để cấp thẻ bảo hiểm y tế. Vì thế, Bộ khai trương Trung tâm Một cửa hỗ trợ triển khai chính phủ điện tử để giải đáp câu hỏi, kiến nghị về triển khai chính phủ điện tử, đồng thời tư vấn cho các bộ, ngành, địa phương trong quá trình triển khai; đồng hành, hỗ trợ cùng các địa phương triển khai các hệ thống thông tin trọng điểm để xây dựng chính quyền điện tử...
- Vậy chúng ta đã tiếp thu được kinh nghiệm gì từ các nước trong xây dựng và phát triển chính phủ điện tử nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp?
- Báo cáo khảo sát về chính phủ điện tử năm 2018 của Liên hợp quốc nêu rõ, dữ liệu ngày càng trở nên quan trọng trong việc phát triển các dịch vụ hướng đến chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số. Với thế mạnh của dữ liệu điện tử, các nước có thể tạo ra nhiều dịch vụ tiện lợi hơn, nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp, hướng đến hiện thực hóa nguyên tắc “Lấy người dùng làm trung tâm”.
Kinh nghiệm xây dựng chính phủ điện tử của các nước trên thế giới cho chúng ta thấy, vấn đề kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin là đặc biệt quan trọng. Việc này giúp các cơ quan chính phủ trao đổi và sử dụng thông tin đồng bộ, nâng cao chất lượng dịch vụ công cung cấp cho người dân và doanh nghiệp; người dân, doanh nghiệp không phải khai lại thông tin nhiều, giảm số lần đến cơ quan nhà nước, dịch vụ được sử dụng thuận tiện. Làm tốt việc kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu cũng nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý và điều hành trong nội bộ của chính phủ, giúp hỗ trợ các quyết định dựa trên việc sử dụng thông tin đầy đủ và nhất quán.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.