(HNM) - Hiện nay, người nuôi bò sữa vẫn vấp phải nhiều khó khăn bởi giá con giống cao, khó mở rộng quy mô sản xuất…
Chăn nuôi bò sữa tại xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì. Ảnh: Thái Hiền |
Ổn định nhưng khó nhân rộng
Theo Bộ NN&PTNT, cả nước có khoảng 170.000 con bò sữa, tốc độ tăng trưởng khoảng 13,6%/năm, năng suất sữa bình quân khoảng 3,88 tấn/bò vắt sữa/năm, sản lượng sữa đạt gần 400.000 tấn nhưng mới đáp ứng khoảng 25,5% nhu cầu tiêu dùng trong nước. Hiện nay chăn nuôi bò sữa theo hình thức trang trại đang phát triển mạnh như: Công ty Sữa TH True Milk có 33.000 con, Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu có trên 13.000 con. Chất lượng giống bò sữa được cải thiện đáng kể với cơ cấu giống chủ yếu là bò lai HF (chiếm gần 85% tổng đàn bò sữa). Trong khi các loại vật nuôi khác đều gặp khó khăn về đầu ra của sản phẩm thì chăn nuôi bò sữa tương đối ổn định và không có nhiều biến động về giá. Hiện nay, các doanh nghiệp đang thu mua sữa với mức giá 12.000-13.000 đồng/lít sữa tươi nguyên liệu.
Tuy nhiên, trong chăn nuôi bò sữa vẫn còn nhiều trở ngại bởi chủ yếu là nuôi nhỏ lẻ, cả nước có trên 20.000 hộ chăn nuôi bò sữa, trung bình khoảng 6-7 con/hộ (trong khi đó quy mô chăn nuôi bò sữa trong nông hộ ở Thái Lan là 18-19 con/hộ). Máy vắt sữa được sử dụng chủ yếu ở các trang trại quy mô lớn, còn các trang trại quy mô nhỏ mới đạt khoảng 10%. Đây chính là nguyên nhân gây ra một số bệnh ở bò sữa khiến chất lượng sữa chưa cao. Anh Chu Đức Dũng, hộ nuôi bò sữa ở Ba Vì cho biết, hiện nay gia đình đang nuôi hơn 10 con bò sữa, có 7 con cho sữa, nhưng khó khăn của hộ nuôi bò sữa là nguồn vốn. Hiện nay, giá con giống tăng cao (khoảng 50 triệu đồng/con, cá biệt tới 80 triệu đồng/con) nên muốn tăng đàn không dễ. Thực tế hiện nay, ngân hàng chủ yếu cho vay vốn ngắn hạn hoặc trung hạn, trong khi phải mất 1-2 năm bò mới cho sữa. Còn anh Nguyễn Thanh Ba, hộ nuôi bò sữa ở Thanh Oai thì trăn trở, do không có đất trồng cỏ, nên hơn một năm nay, gia đình anh phải bán cả đàn bò sữa khoảng 20 con. Khoảng một tháng nay anh mới bắt đầu nuôi lại nhưng cũng chỉ dám nuôi 2-3 con vì không có vốn và chưa có khu đất để trồng cỏ.
Ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi
Theo các chuyên gia, để chăn nuôi bò sữa phát triển bền vững cần quy hoạch lại vùng chăn nuôi bò sữa theo hướng bò thuần HF cao sản, bởi bò thuần HF đã được nhiệt đới hóa (nhập từ Australia, New Zealand) và chọn lọc, thích nghi. Bò lai 75% và trên 75% HF có thể nuôi ở vùng có trình độ chăn nuôi cao như ở TP Hồ Chí Minh, Đông Nam bộ và đặc biệt là vùng bãi ven sông các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, duyên hải Bắc Trung bộ. Bên cạnh đó, cần thống nhất cơ chế điều tiết giá sữa, chất lượng sữa giữa 3 nhà: Nhà chế biến, người sản xuất và đại diện hội người tiêu dùng đồng thời tăng cường áp lực chọn giống bò sữa, áp dụng mô hình quản lý tiên tiến DHA để giám sát chất lượng đàn bò sữa trong phạm vi cả nước.
Để ngành chăn nuôi bò sữa phát triển điều cần thiết là xây dựng quy chuẩn quốc gia về điều kiện tỷ lệ sữa tươi nguyên liệu đối với cơ sở chế biến sữa nước, tương ứng với sản lượng sữa bột nhập khẩu trong chế biến. Các địa phương cũng cần quy hoạch lại vùng chăn nuôi tập trung, vùng trồng cỏ nguyên liệu để làm thức ăn thô xanh, giảm chi phí đầu vào, bảo đảm lợi nhuận cao nhất. Đặc biệt, ngoài nguồn vốn vay của các ngân hàng, chính quyền địa phương cần kết nối cho nông dân vay vốn tại các tổ chức tín dụng khác như ngân hàng chính sách xã hội, quỹ hội nông dân, quỹ khuyến nông để họ có điều kiện mở rộng quy mô chăn nuôi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.