(HNM) - Ngành Nông nghiệp Hà Nội đang trong quá trình tái cơ cấu, trong đó việc phát triển cây trồng chủ lực giữ vai trò rất quan trọng. Việc tập trung vào cây trồng có tiềm năng, thế mạnh, với giá trị kinh tế cao như hoa chất lượng, cây ăn quả đặc sản, rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP… được xem là giải pháp giúp Ngành Nông nghiệp Thủ đô đạt mục tiêu tăng trưởng từ 3,5 đến 4% trong những năm tới.
Mô hình trồng hoa ly trong nhà lưới mang lại thu nhập cao cho nông dân xã Hạ Mỗ (Đan Phượng). Ảnh: Thái Hiền |
Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả cao
Hoa chất lượng cao đã trở thành cây trồng chủ lực giúp nông dân xã Hạ Mỗ (Đan Phượng) vươn lên làm giàu, xây dựng nông thôn mới. Anh Tạ Văn Tượng, thôn Hạ Mỗ hồ hởi cho biết: Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gia đình anh đã mạnh dạn đầu tư trồng gần 1ha hoa ly, với giá bán bình quân từ 150.000 đến 200.000 đồng/bó, cho thu nhập từ 600 đến 700 triệu đồng/năm. Theo Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp xã Hạ Mỗ Tạ Thị Bình, cách đây 4 năm, người dân Hạ Mỗ bắt đầu chuyển sang trồng hoa ly cao cấp, đến nay, hầu hết các hộ tham gia mô hình đều có thu nhập cao. Ngoài làm giàu cho gia đình, các hộ trồng hoa ly ở Hạ Mỗ còn tạo việc làm và thu nhập ổn định từ 120 đến 150 nghìn đồng/ngày cho nhiều lao động địa phương.
Ngoài cây hoa chất lượng cao, cây ăn quả đặc sản như: Cam Canh, bưởi Diễn, phật thủ, nhãn chín muộn cũng đang là những cây trồng chủ lực đem lại tiền tỷ cho nông dân Hà Nội. Giám đốc Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội Hoàng Thị Hòa cho biết: Trong 5 năm (2011-2015), Trung tâm đã mở rộng mô hình trồng mới, thâm canh gần 1.400ha cây ăn quả đặc sản như: Bưởi Diễn, cam Canh, nhãn chín muộn, chuối tiêu hồng nuôi cấy mô…; tốc độ phát triển các vùng trồng cây ăn quả năm sau tăng từ 1,2 đến 1,5 lần so với năm trước; quy mô tăng 130% so với kế hoạch đề ra. Nhiều mô hình cam Canh Kim An (Thanh Oai), bưởi Diễn (Đan Phượng, Chương Mỹ), nhãn chín muộn (Hoài Đức, Quốc Oai)… cho doanh thu gần 1 tỷ đồng/ha.
Ưu tiên cây trồng tiềm năng
Trong định hướng phát triển nông nghiệp, trồng trọt vẫn là ngành quan trọng, góp phần bảo đảm an ninh lương thực của Thủ đô. Theo kế hoạch tái cơ cấu nông nghiệp Hà Nội, tỷ trọng giá trị sản xuất ngành trồng trọt chiếm 39,3% trong cơ cấu vào năm 2020. Như vậy, phải thực hiện đồng bộ giải pháp để nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị đất canh tác. Trưởng phòng Trồng trọt Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Thị Thoa cho biết, Ngành Nông nghiệp đang tiếp tục triển khai chuyển đổi đất lúa vùng trũng sang nuôi trồng thủy sản, chuyển đổi sản xuất ở vùng cao khó khăn về nước tưới sang cây ăn quả, cây màu… có giá trị kinh tế cao, kết hợp với phát triển du lịch sinh thái.
Hà Nội cũng chú trọng tới công nghệ sau thu hoạch và chế biến, đặc biệt là công nghiệp chế biến nhằm nâng cao giá trị gia tăng. Định hướng sản xuất rau, quả trên cơ sở áp dụng công nghệ cao, trước hết là thực hiện quy trình sản xuất theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP), bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu ngay tại thị trường trong nước và phục vụ xuất khẩu.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, nửa đầu năm nay, trong khi Ngành Nông nghiệp cả nước tăng trưởng âm còn Hà Nội đạt mức tăng trưởng 2,1%. Dẫu vậy, mức tăng trưởng này vẫn chưa đạt mục tiêu ngành đề ra. Để đạt mục tiêu tăng trưởng từ 3,5 đến 4%, Ngành Nông nghiệp đang dồn sức tập trung phát triển những cây trồng chất lượng, hiệu quả cao.
UBND thành phố đã triển khai chương trình hành động theo đề án tái cơ cấu nông nghiệp, trong đó từ nay đến năm 2020 tập trung vào các cây con chủ lực như hoa, cây cảnh theo hướng thâm canh, công nghệ cao, gia tăng tỷ trọng sản xuất các loại hoa, cây cảnh cao cấp, đáp ứng không chỉ với thị trường Thủ đô và các đô thị lớn lân cận mà còn hướng tới khả năng xuất khẩu với diện tích đạt 6.000ha. Ngoài ra, thành phố chú trọng mở rộng diện tích rau an toàn vùng tập trung lên khoảng 6.600ha, sản lượng đạt 390-400 nghìn tấn; phát triển cây ăn quả đặc sản quy mô vùng, liên vùng nhằm phát huy thế mạnh của sản xuất nông nghiệp Hà Nội…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.