Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển bền vững giao thông đô thị Hà Nội

Lan Hương| 25/06/2010 15:39

(HNMO) – Đó là chủ đề hội thảo quốc tế diễn ra ngày 25/6, tại Hà Nội, chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Mục đích của hội thảo là giới thiệu nghiên cứu quy hoạch thành phần về giao thông vận tải nhằm phát triển bền vững giao thông đô thị Hà Nội trong quy hoạch chung xây dựng Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.


Hội thảo do Hội khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam phối hợp với Sở Giao thông Vận tải Hà Nội (GTVT), Hội Cầu đường Hà Nội tổ chức.

Tham dự hội thảo có các đồng chí: Hồ Nghĩa Dũng, Bộ trưởng Bộ GTVT; GS.TS Bùi Danh Lưu, Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam; Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội và gần 300 đại biểu đến từ các Bộ, Ban, ngành ở Trung ương và Hà Nội, các tổ chức quốc tế…

Qua hội thảo, các đại biểu trong nước và quốc tế góp ý kiến và trao đổi kinh nghiệm một cách thiết thực, kịp thời cho quy hoạch phát triển giao thông vận tải đô thị Hà Nội và các vấn đề lớn liên quan đến Đồ án quy hoạch chung. Đây cũng là cơ hội để các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tìm hiểu khả năng đầu tư các dự án giao thông Hà Nội trong những năm tới.


Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết: Trong những năm qua, trong tiến trình phát triển các mặt về kinh tế-xã hội và đô thị, giao thông Hà Nội luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu: từ việc tuyên truyền giáo dục, đến đầu tư hạ tầng, phát triển các dịch vụ, nâng cao năng lực quản lý, vận tải hệ thống…Tuy nhiên, hiện nay giao thông của Hà Nội đang tồn tại rất nhiều bất cập và yếu kém; Hạ tầng lạc hậu, nhỏ bé không đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống, sự gia tăng nhanh của các phương tiện cá nhân chưa được kiểm soát, ý thức của một số người dân tham gia giao thông chưa được cao; ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường còn diễn ra nghiêm trọng… Đây là những vấn đề đang đặt ra rất bức thiết đối với thành phố.

Để giải quyết vấn đề bức xúc trước mắt và lâu dài, nhằm hướng tới xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại đòi hỏi trước hết phải phát triển toàn diện, bền vững hệ thống giao thông đô thị. Cùng với việc khai thác tối đa và hiệu quả kết cấu hạ tầng giao thông hiện có, cần phải tập trung các nguồn lực để đầu tư nâng cấp và xây dựng mới các công trình giao thông đồng bộ, hiện đại, liên kết hợp lý các phương thức vận tải giữa đô thị và nông thôn, đáp ứng nhu cầu giao thông nội vùng, quốc gia và quốc tế cũng như giao thông nội đô; gắn kết bảo vệ môi trường và hướng tới bảo đảm công bằng xã hội…

Hội nghị lần thứ 12 Ban chấp hành TƯ Đảng khóa X gần đây cũng đã xác định, một trong các khâu đột phá chiến lược là “xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn”. Song vấn đề huy động nguồn vốn rất lớn để xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật cho đất nước nói chung cũng như Hà nội nói riêng không đơn giản. Theo đó, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo đề nghị các nhà khoa học hiến kế những giải pháp sáng tạo để thu hút nguồn vốn công và tư, cách xử lý phân kỳ đầu tư hiệu quả.

Tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng nêu rõ định hướng của quy hoạch chung xây dựng phát triển Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 là nhằm xây dựng hình ảnh một thủ đô “Xanh – Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”. Theo đó, quy hoạch giao thông sẽ tập trung vào các tiêu chí phát triển bền vững, phát triển các hình thức giao thông công cộng, kiểm soát và kiềm chế sự gia tăng phương tiện giao thông cá nhân, kiểm soát lưu thông tại các đô thị lõi, đô thị trung tâm. Ưu tiên các trục hướng tâm, trục cao tốc, đường vành đai thành phố… Quy hoạch giao thông cần phải phù hợp với tổng thể không gian vùng Thủ đô, đồng bộ với quy hoạch các khu hành chính, dân cư, công viên, mặt nước, vùng bảo tồn khu phố cổ… đảm bảo tính kết nối với các đô thị vệ tinh, bảo tồn phát triển các giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc, không gian xanh, cảnh quan đô thị….

“Bộ GTVT đã và đang phối hợp với UBND Thành phố Hà Nội và các Bộ, ngành liên quan triển khai có hiệu quả nhiều dự án phát triển giao thông ở Thủ đô như các hệ thống đường vành đai, đường bộ cao tốc, đường sắt đô thị, các cầu lớn qua sông, các nút giao thông, cải tạo nâng cấp sân bay quốc tế Nội Bài…Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu phát triển của một đô thị lớn, hiện đại ngang tầm khu vực và quốc tế trong tương lai, hệ thống giao thông vận tải của Hà Nội còn phải tiếp tục nâng cấp, hiện đại hóa từ các khâu quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết, công nghệ xây dựng, các giải pháp chống ùn tắc, nâng mức độ an toàn và giảm thiểu tai nạn, nâng cao hơn nữa văn hóa, ý thức của người tham gia giao thông…” – Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng nhấn mạnh.

Hội thảo được nghe trên 10 tham luận của các: Đại diện Liên đoàn đường bộ quốc tế (IRF); Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Xây dựng; WB; ADB; JICA; TEDI; Hiệp hội Cầu đường Tứ Xuyên; Ban QLDA đầu tư phát triển GTĐT Hà Nội; Ban QLDA đường sắt đô thị Hà Nội… về việc phát triển bền vững giao thông đô thị Hà Nội trên các lĩnh vực quy hoạch giao thông đồng bộ gắn với bảo vệ môi trường và bảo đảm an toàn giao thông; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đô thị và các loại hình dịch vụ vận tải, trong đó coi trọng vận tải công cộng mà trước mắt do điều kiện nguồn vốn có hạn, cần phát triển loại hình vận tải khách bằng xe buýt có sức chở lớn, tốc độ nhanh chạy trên các đường dành riêng (BRT); xúc tiến việc phát triển phương tiện vận tải bánh sắt đô thị; cần huy động khu vực tư nhân tham gia phát triển giao thông đô thị theo hình thức hợp tác công – tư (PPP)…

Tiếp thu và lắng nghe những ý kiến đóng góp cho Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh: UBND Thành phố Hà Nội rất trân trọng, lắng nghe và sẽ chỉ đạo cơ quan Tư vấn tiếp thu những ý kiến tâm huyết góp ý, phản biện và hiến kế cho quy hoạch phát triển bền vững giao thông đô thị Hà Nội, cũng như vấn đề lớn của Đồ án Quy hoạch chung trực tiếp liên quan đến GTVT mà Liên danh Tư vấn quốc tế PPJ đã lập và được giới thiệu tóm tắt tại hội thảo.

Sau hội thảo này, Hội khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam cùng Ban Tổ chức hội thảo sẽ tập hợp các ý kiến để có bản khuyến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải và Chủ tịch UBND TP Hà Nội về những vấn đề cần thiết liên quan đến phát triển bền vững giao thông đô thị Hà Nội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát triển bền vững giao thông đô thị Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.