Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển bền vững gắn với bảo đảm phúc lợi, an sinh xã hội

An Trân| 02/10/2011 05:40

(HNM) - Ngày 1-10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, trong ngày làm việc cuối cùng của phiên họp thứ hai Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khóa XIII, các đại biểu đã nghe và cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán NSNN năm 2011;


Trước ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu và những yếu tố cơ bản gây bất ổn định kinh tế vĩ mô trong nước chưa được giải quyết như cơ cấu bất hợp lý, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế kém, giá cả lạm phát tăng cao… Chính phủ đã đưa ra hai kịch bản để phát triển KT-XH từ nay đến năm 2015 với 11 nhiệm vụ, định hướng phát triển các ngành lĩnh vực và cơ cấu nền kinh tế. Trong đó phấn đấu tăng trưởng bình quân đạt 7%/năm. Chính phủ xác định kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm nền kinh tế phát triển bền vững là ưu tiên số một trong thời gian tới. Bên cạnh đó, tái cơ cấu nền kinh tế là một nhiệm vụ lớn, quan trọng.

Cơ bản nhất trí với nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ, các thành viên UBTVQH cho rằng kịch bản tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 7%/năm trong 5 năm tới là khá phù hợp với điều kiện thực tiễn. Tán thành với quan điểm Chính phủ cần thực hiện quyết liệt hơn nữa mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đại diện Ủy ban Kinh tế đề nghị trước mắt Chính phủ cần tập trung chỉ đạo tốt 6/22 chỉ tiêu dự báo không hoàn thành trong năm 2011. Trong đó có những chỉ tiêu quan trọng như tốc độ tăng trưởng kinh tế, chỉ số giá tiêu dùng, chỉ tiêu đào tạo việc làm mới...

Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, để kinh tế phát triển bền vững cần có sự nỗ lực của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Các ngành cần có sự định hình rõ ràng đến năm 2015 diện mạo đất nước sẽ ra sao để có hướng đi phù hợp, phấn đấu 10 năm tới Việt Nam cơ bản là một nước công nghiệp hiện đại. Chủ tịch lưu ý, để ổn định nền kinh tế vĩ mô cần đặc biệt lưu ý tới kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường công tác thông tin, đối thoại, giải thích chính sách, giải quyết kịp thời các vấn đề xã hội bức xúc, tạo sự đồng thuận, giữ vững ổn định chính trị, xã hội, bảo đảm môi trường tốt nhất cho phát triển đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển bền vững gắn với bảo đảm phúc lợi, an sinh xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.