(HNMO) - Chiều 23-10, Tạp chí Kinh tế và Dự báo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức hội thảo "Kinh tế tuần hoàn: Hướng phát triển bền vững cho doanh nghiệp Việt Nam", với sự tham gia của đại diện một số cơ quan, doanh nghiệp.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, kinh tế tuần hoàn là quá trình sản xuất khép kín nhằm bảo vệ môi trường, hệ sinh thái và mục đích cao nhất là bảo vệ cuộc sống con người; lấy con người là trung tâm của quá trình phát triển bền vững.
Các hoạt động sản xuất diễn ra, nhưng rác thải của đơn vị này, ngành này trở thành nguyên liệu đầu vào của ngành khác; từ đó giúp tiết giảm chi phí, tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu lượng rác thải ra xã hội. Đây chắc chắn là xu hướng toàn cầu trong tương lai, để bù đắp cho việc thiếu hụt nguồn tài nguyên khoáng sản đang trong quá trình cạn kiệt cũng như phù hợp với quy luật phát triển, trong đó Việt Nam không phải ngoại lệ.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, kinh tế tuần hoàn là mô hình mới, nhưng rất hữu hiệu và phù hợp với tất cả các nền kinh tế; trong đó, ý thức bảo vệ môi trường đi liền với hành động thiết thực để bảo vệ môi trường nhằm bảo đảm tăng trưởng xanh, phát triển bền vững của các hoạt động kinh tế. Mỗi doanh nghiệp cần tìm hiểu, từng bước tự giác thực hiện kinh tế tuần hoàn và đó là hành động thực tế nhằm hạn chế tối đa tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, đề cao tính nhân văn... Việc thực hiện kinh tế tuần hoàn sẽ mang lại lợi ích lâu dài, thiết thực vì tương lai nhân loại. Dù chỉ mới xuất hiện và manh nha đi vào thực tế, nhưng chúng ta có thể tin tưởng đây là thực tiễn khách quan, sự lựa chọn của tương lai khi rác thải trở thành đầu vào cho sản xuất trong một chu kỳ khép kín.
Thời gian tới, các cơ quan hữu quan sẽ tập trung phối hợp nghiên cứu, đưa ra bộ chỉ số đo lường để giúp mỗi đơn vị có cơ hội đong đếm mức độ thực hiện kinh tế tuần hoàn; từ đó có thể quy đổi ra những con số, tỷ lệ cụ thể để soi chiếu và biết mình đang ở cấp độ nào...
Về phía doanh nghiệp, bà Lê Thị Ngọc Mỹ, Giám đốc phát triển bền vững của Công ty Heineken Việt Nam chia sẻ, để góp phần phòng, chống biến đổi khí hậu, đơn vị đã chủ động thực hiện kinh tế tuần hoàn, từ đó tham gia bảo vệ môi trường và duy trì phát triển bền vững. Hiện, 5/6 nhà máy sản xuất của Công ty Heineken Việt Nam đã thực hiện nấu bia bằng 100% năng lượng tái tạo.
Riêng năm 2019, công ty thu mua 40.000 tấn vỏ trấu và các chế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp để phục vụ sản xuất, mang lại thu nhập 52,6 tỷ đồng cho người dân. Việc thực hiện kinh tế tuần hoàn đã đem lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và xã hội; nhất là người dân ở địa phương nơi triển khai dự án. Heineken gần như không còn chất thải chôn lấp, vì 99% chất thải đã được tái sử dụng, tái chế trong quá trình quay vòng sản xuất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.