Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên: Phối hợp triển khai nhiều giải pháp

Hà Hiền| 12/08/2021 06:56

(HNM) - Năm học 2021-2022, ngành Bảo hiểm xã hội phấn đấu thu hút 100% học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế, giúp thế hệ tương tai được tiếp cận, thụ hưởng những lợi ích từ hệ thống an sinh xã hội. Để đạt mục tiêu đề ra, các cơ quan chức năng đã phối hợp triển khai nhiều giải pháp phát triển bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên.

Học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế sẽ được thụ hưởng nhiều lợi ích từ hệ thống an sinh xã hội. Ảnh: Đỗ Tâm

Bảo đảm quyền lợi cho người tham gia

Những năm gần đây, số lượng học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế không ngừng gia tăng. Nếu như năm học 2016-2017, cả nước có 15,9 triệu học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ bao phủ 92,5%, thì đến thời điểm kết thúc năm học 2020-2021, cả nước có hơn 18 triệu học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ bao phủ hơn 97%, tăng hơn 1% so với năm học 2019-2020. Theo Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn, kết quả này có được chủ yếu là nhờ chính sách bảo hiểm y tế được triển khai sâu, rộng, được Nhà nước và các địa phương quan tâm, hỗ trợ và đông đảo phụ huynh, học sinh hưởng ứng. Cụ thể, ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho toàn bộ học sinh, sinh viên, còn các đối tượng học sinh, sinh viên thuộc diện thụ hưởng chính sách người có công, bảo trợ xã hội, đồng bào dân tộc thiểu số... được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Ngoài ra, một số địa phương còn có thêm chính sách đặc thù hỗ trợ thêm cho học sinh, sinh viên khi tham gia bảo hiểm y tế.

Cũng như các nhóm đối tượng khác, học sinh, sinh viên được tạo điều kiện thuận lợi để khám, chữa bệnh với bảo hiểm y tế. Hiện tại, cả nước có hơn 2.400 cơ sở y tế và hơn 10.000 trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; đại đa số cơ sở giáo dục có phòng y tế, nhân viên y tế, giúp học sinh, sinh viên có thể khám, chữa bệnh tại những cơ sở gần nhất. Các cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cung cấp đa dạng dịch vụ kỹ thuật y tế để phục vụ bệnh nhân. Trong đó, cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tuyến xã, phường, thị trấn cung cấp hơn 1.000 dịch vụ, hơn 300 hoạt chất hoặc thuốc; tuyến tỉnh, thành phố và tuyến trung ương cung cấp hơn 9.000 dịch vụ, hơn 1.000 hoạt chất hoặc thuốc được phép thanh toán theo chế độ bảo hiểm y tế. Số tiền chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho học sinh, sinh viên do Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả trong những năm gần đây lên tới hàng nghìn tỷ đồng/năm. Không ít học sinh, sinh viên được chi trả chi phí khám, chữa bệnh với số tiền lớn, lên tới hàng trăm triệu đồng, như: Đào Thị Hiền Linh, Trường Đại học dân lập Phương Đông; Đỗ Ánh Dương, Trường Tiểu học xã Tiến Thịnh (huyện Mê Linh)...

Đặc biệt, từ đầu năm 2021 đến nay, người tham gia bảo hiểm y tế, trong đó có hơn 18 triệu học sinh, sinh viên được thụ hưởng nhiều chính sách mới ưu việt hơn. Nổi bật là chính sách thông tuyến trong điều trị nội trú đối với khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế được triển khai trên quy mô toàn quốc từ ngày 1-1-2021, giúp một số trường hợp tham gia bảo hiểm y tế điều trị trái tuyến vẫn được hưởng 100% chi phí điều trị nội trú như đúng tuyến.

Nỗ lực để đạt mục tiêu

Lợi ích của việc tham gia bảo hiểm y tế đã được kiểm chứng, nhưng hiện cả nước vẫn còn 3% học sinh, sinh viên, tương ứng với gần 600.000 người chưa tham gia. Điều này khiến một bộ phận giới trẻ và gia đình họ bị thiệt thòi.

Chị Lê Thị Kiều Trang, Khu tập thể phân lân Văn Điển, thị trấn Văn Điển (huyện Thanh Trì) chia sẻ: “Con trai tôi đang là sinh viên năm thứ hai tại Trường Đại học Công đoàn. Vì chủ quan cho rằng, ở độ tuổi đôi mươi, con khỏe mạnh, nên chúng tôi không để ý nhắc nhở con tham gia bảo hiểm y tế. Không may, cháu bị tai nạn giao thông vào tháng 5-2021, phải điều trị hơn một tháng, tiêu tốn số tiền gần 100 triệu đồng. Lúc phải trả 100% tiền viện phí, tôi mới hiểu rõ lợi ích của việc tham gia bảo hiểm y tế”.

Lý giải nguyên nhân, từ kinh nghiệm triển khai chính sách, Giám đốc Bảo hiểm xã hội quận Hà Đông Lê Thành Long cho rằng, Luật Bảo hiểm y tế quy định, học sinh, sinh viên là đối tượng bắt buộc tham gia chính sách này, nhưng lại chưa có chế tài xử phạt những trường hợp không tham gia, nên một số đơn vị, nhà trường, địa phương chưa thực sự ráo riết vào cuộc triển khai chính sách, chưa có điều kiện ràng buộc học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế. Nguyên nhân khác là do một số người dân chưa hiểu rõ tính ưu việt của chính sách, nên chưa chủ động mua bảo hiểm y tế cho con, cháu...

Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc, hướng tới mục tiêu thu hút 100% học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế trong năm học 2021-2022, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Vũ Đức Thuật cho biết, ngành Bảo hiểm xã hội Thủ đô đang tập trung tuyên truyền, phổ biến chính sách bảo hiểm y tế đến đông đảo phụ huynh, học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố. Trước thềm năm học mới, các cơ quan bảo hiểm xã hội cử cán bộ phối hợp và hỗ trợ các nhà trường trong việc triển khai chính sách bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên...

Còn theo Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn, đơn vị vừa có văn bản yêu cầu bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố tiếp tục phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn triển khai công tác bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên, giao chỉ tiêu cho từng cơ sở giáo dục. Kết quả triển khai chính sách là tiêu chí đánh giá thi đua, khen thưởng của các nhà trường. Công tác truyền thông về bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên được tổ chức linh hoạt, bằng nhiều hình thức (gửi tin nhắn qua điện thoại, ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số, mạng xã hội, tuyên truyền bằng hình ảnh trực quan...).

Năm học mới đang đến gần, hy vọng các giải pháp đang triển khai sẽ động viên, khuyến khích 100% học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho thế hệ tương lai.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát triển bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên: Phối hợp triển khai nhiều giải pháp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.