Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Phạt nguội"

Minh Quang| 23/05/2010 05:01

1. Chất lượng các trận đấu của bóng đá đỉnh cao Việt Nam chưa bao giờ được đánh giá cao nhưng về khoản "đá rắn" thậm chí là "đá láo" lại không thua kém ai. Nhiều đội bóng đã có "thương hiệu" về khoản này. Sông Lam - Nghệ An một thời đã nổi danh với lối đá "chém đinh chặt sắt".

Trung vệ Đại Đồng của T&T.Hà Nội bị đuổi đánh trong trận đấu với Megastar Nam Định.

Nam Định cũng không thua kém nhưng đi kèm lại là các đòn kín, tinh vi hơn. Và còn nhiều đội khác cũng chọn cách đá đầy tính triệt hạ để tồn tại ở các giải đấu. Các đối thủ chùn chân, trọng tài không dám mạnh tay và bộ phận kỷ luật của BTC giải không xử lý những lỗi đánh nguội, thô bạo là lý do khiến các các đội theo đuổi cách chơi bóng không đẹp mắt, phi thể thao nhưng có hiệu quả ấy. Lúc đó nhiều người đã đề cập đến chuyện treo giò cầu thủ (theo hướng tăng nặng so với án phạt của trọng tài) kể cả khi lỗi của cầu thủ ấy không bị trọng tài phát hiện. Nhưng hầu như không có án phạt nào với những lỗi ấy (thường được gọi là "phạt nguội") nên cầu thủ càng được đà đá láo, đánh nguội, thậm chí có nhiều hành vi khiếm nhã với đối thủ cũng như khán giả. Cả mùa trước, có lẽ chỉ có trường hợp Hoàng Danh Ngọc (Nam Định) có hành vi khiếm nhã với cổ động viên Thể Công là bị xử lý theo kiểu này.

2. Mùa này, nhiều đội bóng lại tiếp tục theo đuổi lối chơi "chém đinh chặt sắt" để "dằn mặt" đối thủ từ đó tạo ưu thế. Sông Lam - Nghệ An trong cơn khát điểm số đã đá theo kiểu "chết bỏ" khiến đương kim vô địch Đà Nẵng chỉ lo giữ chân rồi thua tới 0-5, làm ngỡ ngàng cả làng túc cầu. Khi biết nguyên nhân trận thua của Đà Nẵng, ai cũng thông cảm. Phát huy lối đá này, Sông Lam - Nghệ An lại băng băng tiến lên phía trên bảng xếp hạng. Trong hành trình ấy cũng có lúc cầu thủ của họ bị phạt thẻ, nhưng nhiều khi cũng được bỏ qua. Những Thanh Hóa, Nam Định, Navibank Sài Gòn cũng không vừa, cũng chơi “rắn” trên mức cần thiết để khỏa lấp yếu kém chuyên môn. Những Bình Dương, Đồng Tâm - Long An vốn hiền lành là vậy nhưng giờ đây cũng liên tục "nóng đầu". Đến lúc này, mới liên tục có những án "phạt nguội" dành cho Hải Lâm (Đà Nẵng) vì có hành vi xúc phạm cầu thủ đối phương, Đình Tùng (Thanh Hóa): bỏ bóng đá người, Danny (Đồng Tâm - Long An)... Gần đây nhất là trường hợp trung vệ Chinedu (Megastar Nam Định) bị treo giò 4 trận do đánh nguội đối phương tới 2 lần trong trận đấu với Xi măng Hải Phòng.

3. Chuyện "phạt nguội" đã trở nên phổ biến ở các nền bóng đá chuyên nghiệp phát triển từ lâu và đã có hiệu quả nhất định trong việc răn đe cầu thủ, HLV có những hành vi phi thể thao. Bóng đá Việt Nam giờ mới "chuộng" kiểu kỷ luật này nhưng muộn còn hơn không. Ít nhất nó cũng là lời cảnh báo cho những "máy chém" chỉ rình đá người hơn là đá bóng. Thế nhưng, cách làm này muốn đạt hiệu quả cao nhất lại phải trông vào cách xử lý thống nhất của những người có trách nhiệm chứ không thể có chuyện xử người này, bỏ người kia. Trận Đồng Tháp gặp Bình Dương hồi cuối tuần trước, nếu Quang Thanh bị xử lý theo kiểu này vì phản đối trọng tài là hoàn toàn xác đáng thì 2 đồng đội cũng có hành vi phản ứng tương tự lại không phải chịu án phạt nào. Trận Megastar Nam Định gặp Đồng Tâm - Long An cách đây vài vòng, nếu Danny (ĐTLA) bị phạt vì có hành vi hung hãn với đối phương thì cầu thủ ngoại của Nam Định cũng hung hãn chẳng kém lại được bỏ qua... Ban kỷ luật đã nại rằng băng hình do BTC giải cung cấp chỉ có vậy nên chỉ có thể xử lý theo kiểu "án tại hồ sơ". Nhưng những hình ảnh trên các đài truyền hình, trên báo chí cũng là nguồn tin cậy để đưa ra những án "phạt nguội". Cứ dựa vào hồ sơ của BTC thì còn khối anh lọt tội... Lúc ấy khó hy vọng các hành vi đá láo, phi văn hóa trên sân cỏ vãn hẳn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Phạt nguội"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.