(HNM) - Báo Hànộimới dẫn thông báo từ Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (Công an TP Hà Nội), từ ngày 1-2, đơn vị này sẽ phối hợp với công an các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm các quy định về TTATGT; đặc biệt là việc thực hiện xử phạt người đi bộ nếu vi phạm các quy định này.
Thông tin ngay lập tức đã nhận được sự quan tâm từ đông đảo tầng lớp nhân dân với nhiều luồng ý kiến.
Bà Lê Nga (Công ty Luật Hà Việt):
Ủng hộ việc thực hiện xử phạt
Thực ra, Luật Giao thông đường bộ, Nghị định 171/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đã có quy định về xử phạt đối với người đi bộ vi phạm các quy định về TTATGT. Tùy theo các lỗi vi phạm, nhẹ thì bị xử phạt 50.000 đồng, còn nặng thì lên đến 120.000 đồng. Tuy nhiên, lâu nay CSGT vẫn chưa tiến hành xử phạt các hành vi vi phạm giao thông đối với người đi bộ nên nhiều người không để ý.
Thời gian qua, bên cạnh việc phương tiện giao thông gia tăng nhanh chóng thì thành phố cũng đã chú trọng đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông. Nhiều hầm đường bộ, cầu vượt dành cho người đi bộ được xây dựng, lắp đặt. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều người dân còn thiếu ý thức, vô tư sang đường ở bất cứ nơi nào.
Thậm chí, có những trục đường có dải phân cách cố định, làm hàng rào sắt cao để ngăn chặn việc người đi bộ tùy tiện sang đường không đúng quy định, song nhiều người vẫn bất chấp, "bật" rào nhảy qua; vừa gây nguy hiểm tới tính mạng của chính bản thân mình, vừa gây ảnh hưởng đến sự lưu thông của dòng phương tiện đang chạy. Không ít vụ tai nạn đáng tiếc đã xảy ra. Tôi hoàn toàn ủng hộ việc thực hiện xử phạt người đi bộ vi phạm giao thông. Mong rằng, khi chế tài này được áp dụng sẽ nâng cao ý thức khi tham gia giao thông của người đi bộ.
Ông Phạm Minh Phương (phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng):
Liệu có gấp gáp?
Phòng CSGT Hà Nội ngày 27-1 ra thông báo, ngày 1-2 đã tiến hành áp dụng xử phạt, liệu việc triển khai như vậy có quá gấp gáp? Người đi bộ vi phạm luật phải bị xử phạt. Đây là cách răn đe hiệu quả để nhiều người ý thức hơn, để việc đi bộ cũng cần tuân thủ luật lệ. Điều này là hoàn toàn đúng, không có gì bàn cãi. Song tôi cho rằng, việc để nhiều người không bị bất ngờ, nên chăng CSGT nên lùi thời gian tiến hành xử phạt. Có thể là sau 30-4 hoặc từ giữa năm 2016, chứ không phải sau 5 ngày thông báo đã tiến hành xử phạt luôn. Trước mắt, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhắc nhở để nhiều người dân nắm được chủ trương. Nâng cao ý thức, văn hóa giao thông là điều cốt lõi nhất nhằm giảm tai nạn giao thông, bảo đảm trật tự an toàn khi tham gia giao thông.
Ông Trần Đức Hải (thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh):
Cần tuân thủ quy định của pháp luật
Ở nước ta nói chung và ở TP Hà Nội nói riêng, việc người đi bộ hầu hết khi qua đường hết sức tùy tiện. Chẳng hạn khi qua đường trong phố, nhiều người không đi vào nơi có vạch kẻ dành cho người đi bộ, thậm chí băng qua đường cả khi có đèn tín hiệu màu đỏ của người đi bộ. Trên quốc lộ thì càng phổ biến hơn, nhằm lúc vắng xe là băng qua đường bất chấp hai đầu đều có xe đang lưu thông tốc độ cao.
Nhiều tuyến đường đã xây dựng cầu bộ hành, hầm đường bộ tốn kém hàng nghìn tỷ đồng để phục vụ người đi bộ, vậy nhưng không ít người vẫn vô tư đi qua đường ở những nơi không được phép qua. Nếu xảy ra tai nạn, đa phần phía thân nhân người đi bộ lại đổ hết trách nhiệm cho người điều khiển phương tiện cơ giới... Tôi cho rằng, đã đến lúc không chỉ có tuyên truyền, vận động, mọi người cần sống và làm việc theo pháp luật, có như vậy mới phòng và hạn chế những tai nạn giao thông đáng tiếc xảy ra.
Chị Nguyễn Mỹ Duyên (đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy):
Phạt người lấn chiếm để người dân thực hiện đúng quy định
Việc xử lý người đi bộ vi phạm Luật Giao thông đường bộ không chỉ cá nhân tôi mà hầu hết người dân đều ủng hộ. Tuy nhiên, tôi thấy rằng tại nhiều địa điểm ở nội thành, người đi bộ muốn tuân thủ đúng quy định cũng không hề dễ. Hiện nay, có nhiều tuyến đường phố, vỉa hè bị người dân lấn chiếm khiến lối đi bộ cũng chẳng còn, thử hỏi người đi bộ không đi xuống đường thì đi vào đâu?
Do vậy, các cơ quan chức năng cũng cần giải tỏa vỉa hè cho người đi bộ và xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm để bảo đảm mỹ quan đô thị cũng như tạo điều kiện thuận lợi. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần rà soát bổ sung các vạch kẻ cho người sang đường ở một số tuyến đường phố. Hiện tại, trên nhiều tuyến đường phố, tại khu vực gần các điểm đỗ xe buýt không có làn sang đường dành cho người đi bộ nên rất bất tiện.
Do đó, tại các vị trí điểm xe buýt phải có kẻ dành cho người đi bộ khi sang đường. Chưa kể, đối với việc xử lý người đi bộ vi phạm, các cơ quan chức năng cũng thực hiện không dễ. Ví dụ có trường hợp người đi bộ vi phạm, nhưng khi cơ quan chức năng xử phạt thì không thể thu giữ giấy tờ, thu giữ phương tiện như với các vi phạm về TTATGT khác. Vì vậy, bên cạnh xử phạt, các cơ quan hữu quan cũng cần có các điều chỉnh hợp lý để người dân thực hiện các quy định dễ dàng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.