Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phạt nặng để răn đe

Đức Trường| 12/03/2010 06:45

(HNM) - Ngày 23-2-2010, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 11/2010/QĐ-UBND quy định quản lý chất thải rắn thông thường. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 1-3 và có mức xử phạt cao nhất lên tới 15 triệu đồng đối với hành vi vận chuyển và đổ chất thải không đúng nơi quy định.

10 ngày sau khi quyết định này có hiệu lực (từ 1-3), PV Báo Hànộimới đã trao đổi với ông Lê Văn Dục, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội về việc triển khai trên thực tế.

- Thưa ông, mức xử phạt lên tới 15 triệu đồng cho một lỗi vi phạm, liệu có quá cao và có khả năng thực thi hay không?

- Trước hết, tôi khẳng định việc UBND TP Hà Nội ra Quyết định số 11/2010/QĐ-UBND là cần thiết, bởi quy định về quản lý rác thải trước đây của thành phố theo Quyết định số 3093/QĐ-UBND từ năm 1996 đã không còn phù hợp. Còn mức xử phạt lên tới 15 triệu đồng không quá cao, nhất là trước nạn đổ rác bừa bãi và đổ trộm phế thải như thời gian vừa qua. Trước đây, cơ quan chức năng vẫn đi kiểm tra, xử phạt, nhưng vì mức phạt quá nhẹ, nên không đủ sức răn đe và người ta vẫn cố tình vi phạm. Bức xúc trước thực trạng trên, Báo Hànộimới đã phát động và tuyên truyền mạnh mẽ, quyết tẩy trừ tệ đổ rác ra đường và nơi công cộng. Liền sau đó, chính quyền các cấp, các sở, ngành và đoàn thể đã thực hiện phong trào tẩy trừ nạn đổ rác ra đường, đổ trộm phế thải, rác trên tường… đạt được kết quả đáng khích lệ. Phố phường sạch đẹp và văn minh hơn. Tuy nhiên, để duy trì được kết quả này, UBND TP Hà Nội đã có chế tài phạt nặng những hành vi vi phạm. Phạt nặng cùng với tuyên truyền sẽ góp phần tạo chuyển biến rõ nét về ý thức của cộng đồng.

Công nhân môi trường đô thị Hà Nội thu gom rác thải trên đường Nguyễn Chí Thanh.

Thực ra, 15 triệu đồng chỉ là một mức cao nhất. Mức thấp nhất là 100.000 đồng, 300.000 đồng, 5 triệu đồng, 10 triệu đồng, rồi mới đến mức 15 triệu đồng. Tất cả những mức phạt tiền này đều được áp dụng từ Nghị định 23/2009/NĐ-CP (ngày 27-2-2009) của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản, khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, quản lý phát triển nhà và công sở. Không những thế, những cơ quan chức năng hiện nay như Thanh tra Giao thông - Vận tải, Thanh tra Xây dựng, Thanh tra Môi trường, Cảnh sát Môi trường, chính quyền các cấp… vẫn duy trì hình thức xử phạt với những đơn vị, tổ chức, cá nhân vi phạm. Như vậy, với cơ sở pháp lý rõ ràng, bộ máy chức năng sẵn sàng, quyết định trên của thành phố hoàn toàn có khả năng thực thi.

- Ông có thể cho biết những hành vi nào là vi phạm và mức xử phạt sẽ ra sao?

- Hành vi vi phạm thì có nhiều lắm. Nhưng, nhìn chung là những hành vi ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị. Cụ thể hơn là nghiêm cấm vứt, đổ rác không đúng thời gian và không đúng nơi quy định; để chất thải ra vỉa hè, lòng đường, đổ ra hệ thống thoát nước, sông, hồ, công viên, vườn hoa, hệ thống đê điều…; để chất thải xây dựng ngoài phạm vi thi công gây cản trở giao thông, ô nhiễm môi trường, gây bụi bẩn và làm hư hỏng các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị; vận chuyển chất thải không che chắn, làm rơi vãi, gây bụi, bẩn đường phố… Các đơn vị vệ sinh môi trường không được phép thu gom, vận chuyển chất thải rắn không đúng quy trình công nghệ được phê duyệt; thu gom vận chuyển chất thải không đúng thời gian gây ùn tắc giao thông; để rác thải sinh hoạt lưu cữu làm ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường…

Ý thức của người dân sẽ góp phần giúp Thủ đô ngày càng xanh - sạch - đẹp. Ảnh: Đàm Duy

Trong các lỗi vi phạm, nhẹ nhất là phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng với hộ gia đình đổ chất thải sinh hoạt không đúng nơi quy định; nặng nhất là phạt tiền 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng với tổ chức, cá nhân vận chuyển và đổ chất thải không đúng nơi quy định. Các tổ chức, cá nhân làm rơi vãi chất thải trong quá trình thu gom, vận chuyển sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng.

- Nếu các tổ chức, cá nhân vẫn cố tình vi phạm thì có hình thức phạt tăng nặng không?

- Có chứ! Đối với các đơn vị, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nếu có các hành vi vi phạm và bị xử lý vi phạm hành chính lần thứ 3 sẽ bị đề nghị thu hồi đăng ký kinh doanh. Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị buộc khắc phục tình trạng mất vệ sinh môi trường do vi phạm hành chính gây ra hoặc buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm gây ra; chịu mọi chi phí thuê khắc phục tình trạng mất vệ sinh hoặc khôi phục tình trạng ban đầu (nếu có).

Đặc biệt, những hành vi gây cản trở, làm ảnh hưởng đến hoạt động quản lý chất thải thông thường hoặc cố ý làm trái với những quy định trên, tùy theo mức độ, tính chất vi phạm, sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan.

- Đến hôm nay đã là 10 ngày kể từ ngày Quyết định 11 có hiệu lực. Việc triển khai quyết định này đã được thực hiện đến đâu?

- Hiện nay, mọi thứ vẫn đang hoạt động như trước kia. Tuần tới, Sở Xây dựng sẽ tổ chức một khóa tập huấn về thực hiện Quyết định 11 của UBND TP Hà Nội. Sau khi tập huấn xong, công việc sẽ triển khai xuống các phường, xã, thị trấn.

Người dân trên địa bàn quận Hà Đông thu gom rác thải, làm sạch
đường phố. Ảnh: Bá Hoạt

Để Quyết định 11 được thực thi nghiêm túc, góp phần giữ Thủ đô xanh - sạch - đẹp trong dịp Đại lễ, các sở, ban, ngành và địa phương phải vào cuộc quyết liệt. Theo quyết định này, các cấp chính quyền địa phương, công an các cấp và Cảnh sát Môi trường, Thanh tra Xây dựng, Thanh tra Giao thông, Thanh tra Môi trường cũng đều có quyền xử phạt. Đây là điều kiện thuận lợi để tăng hiệu quả thực thi của quy định này.

Nhân đây, tôi cũng chân thành cảm ơn Báo Hànộimới thời gian qua đã phát động, tuyên truyền, đấu tranh mạnh mẽ và có hiệu quả với tệ đổ rác ra đường, góp phần giúp các ngành chức năng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

- Xin cảm ơn ông!

“Điểm đen” về rác thải

* 12h, trước cửa hàng quần áo tại 79 Đường Thành, xuất hiện nhiều túi ni lon đựng rác thải để sẵn dưới lòng đường.

* 12h35, tại 25 Hàng Điếu, rác thải đã được buộc thành túi để trên lòng đường ngay sát vỉa hè, trong khi các hàng bún bò, miến lươn ngay bên cạnh vẫn hoạt động nhộn nhịp.

* 12h40, tại 56 phố Bát Sứ, nhiều túi rác thải đã tập kết ngay trước cửa hàng bán đồ ăn, giấy ăn vứt vương vãi trên vỉa hè.

* 12h50, phía trước cửa số nhà 6A phố Cửa Đông, rác thải xả thành đống ngay dưới lòng đường. Trong khi đó, khu chợ tạm Phùng Hưng và nhiều hàng giải khát, ăn uống vẫn hoạt động bình thường bên cạnh đống rác.

* 13h, trước cửa hàng bún bung tại 94 phố Cầu Gỗ, giấy ăn, các túi rác thải vứt bừa bãi trên vỉa hè, bên cạnh chỗ khách hàng ngồi ăn uống.

* 13h15, tại cửa hàng cơm rang, phở 61B, phố Lò Sũ, rác thải, giấy ăn của thực khách xả ra được vun thành đống ngay dưới lòng đường sát vỉa hè trước cửa hàng.

Khánh Ly
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phạt nặng để răn đe

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.