Một số lượng lớn các hiện vật quý, trong đó có các di vật rất hiếm gặp trong các di tích khảo cổ học ở Việt Nam, vừa được các nhà khoa học phát hiện trong quá trình khai quật khu vực Thành Nhà Hồ ở Thanh Hóa.
Nhiều hiện vật quý được phát hiện trong đợt khai quật Hào thành - Thành Nhà Hồ - Ảnh Trung tâm di sản Thành Nhà Hồ cung cấp |
Ngày 20-8, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ (xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, cho biết trong quá trình phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam khai quật khu vực Hào thành thuộc quần thể Di sản thế giới Thành nhà Hồ, các nhà khoa học đã phát hiện nhiều hiện vật có niên đại hàng ngàn năm.
Cụ thể, sau hơn 2 tháng khai quật diện tích 2.040 m2, các nhà khoa học phát hiện nhiều hiện vật tại khu vực Hộ thành (từ chân thành ra mép hào) và các cụm vật liệu kiến trúc, cụm đá nguyên khối có dấu vết chế tác, cụm dăm đá...
Ngoài ra, trong quá trình khai quật còn phát lộ thêm 89 viên đá vôi nguyên khối và đá phiến có kích thước 1,7 x 1,1 m, hình hộp chữ nhật, nhiều hiện vật bằng đất nung như ngói mũi sen, gạch bìa (nhiều viên có in, khắc tên địa danh sản xuất, niên đại thời Trần - Hồ) và nhiều đạn, bia đá, mũi tên, mũi đục bằng sắt.
Các nhà khoa học đánh giá hộ thành ngoài nhiệm vụ phòng thủ còn là nơi tập kết và tu chỉnh các phiến đá thô trước khi được vận chuyển vào vị trí xây tường thành. Trong khu vực Hào thành hiện còn lại dấu vết của những phiến đá kè bờ hào. Căn cứ vào vị trí đá kè phía bắc và phía nam, lòng hào được xác định có chiều rộng khoảng 52 m. Phía dưới lòng hào, ở độ sâu từ khoảng hơn 3 m đến 6,3 m, ngoài lớp đất sét bùn màu xám mịn lẫn nâu đỏ, các nhà khoa học còn phát hiện một số mảnh gốm men, sành, gạch vỡ thời Trần - Hồ và thời Lê Sơ.
Hào thành phát lộ trong lần đầu tiên được các nhà khoa học tổ chức khai quật - Ảnh Trung tâm di sản Thành Nhà Hồ cung cấp |
Theo ông Nguyễn Xuân Toán, Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ, trong số các hiện vật được tìm thấy, các nhà khoa học đặc biệt chú ý tới nhóm hiện vật đục, kiếm sắt. Đây được coi là các di vật rất hiếm gặp trong các di tích khảo cổ học ở Việt Nam.
“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục xin cấp kinh phí mở rộng khai quật, nghiên cứu các vị trí khác của Hào thành (phía Đông, phía Bắc, phía Tây) để làm cơ sở khoa học phục vụ việc khôi phục di tích Hào thành trong tương lai” - ông Toán nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.