Sau 8 ngày làm việc khẩn trương, với tinh thần dân chủ, trách nhiệm cao, hôm nay, kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XII đã hoàn tất chương trình nghị sự của mình.
Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thảo luận, đánh giá bổ sung việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2010; tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2011; tiến hành công tác xây dựng pháp luật. Quốc hội đã dành nhiều thời gian xem xét các Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ (2007-2011) của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước: Quốc hội đã thảo luận, phân tích toàn diện, tập trung vào những vấn đề lớn về chỉ đạo, điều hành, quản lý vĩ mô và thống nhất nhận định: Năm 2010 và những tháng đầu năm 2011, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Trung ương Đảng; sự giám sát thường xuyên của Quốc hội; sự quản lý điều hành quyết liệt của Chính phủ; sự nỗ lực của các cấp, các ngành, của toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp, đất nước ta đã đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Kinh tế tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng, công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ tăng cao hơn cùng kỳ năm trước; thu ngân sách nhà nước tăng khá; xuất khẩu, nhất là xuất khẩu nông sản tăng mạnh; an sinh xã hội được bảo đảm… Tuy nhiên, chúng ta đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức mới có thể gây mất ổn định kinh tế vĩ mô. Xu hướng phục hồi kinh tế thế giới chậm lại và chưa ổn định; lạm phát, mặt bằng lãi suất vẫn ở mức cao, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình. Thiên tai, dịch bệnh xảy ra ở nhiều nơi đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống nhân dân. Một số vấn đề xã hội bức xúc chậm được giải quyết.
Trước những diễn biến phức tạp của tình hình chính trị, kinh tế thế giới và những khó khăn trong nước, từ nay đến hết năm 2011, Chính phủ, các ngành, các cấp cần tiếp tục quán triệt sâu sắc Kết luận của Bộ Chính trị về tình hình kinh tế-xã hội năm 2011 và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nhóm giải pháp nêu trong Nghị quyết 11 của Chính phủ để khắc phục những yếu kém, hạn chế; kịp thời giải quyết những vấn đề mới phát sinh, thực hiện cho được mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
Về công tác lập pháp, Quốc hội đã xem xét và thông qua 3 dự án luật, đó là: Luật Kiểm toán độc lập; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Phòng, chống mua bán người. Việc ban hành các đạo luật này góp phần tạo cơ sở pháp lý cho việc hoàn thiện tiếp quy trình, thủ tục tố tụng dân sự, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn giải quyết các vụ việc dân sự; tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động kiểm toán độc lập và đấu tranh phòng, chống có hiệu quả tội phạm liên quan đến mua, bán người.
Về các báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ, Quốc hội đã thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, phân tích sâu sắc những việc đã làm được, những việc chưa làm được, chỉ ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và kiến nghị những định hướng tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước. Quốc hội thống nhất nhận định: Bốn năm qua, trong bối cảnh vừa có những thuận lợi cơ bản, vừa có những khó khăn, thách thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự ủng hộ, giúp đỡ và giám sát của nhân dân, kế thừa, phát huy những thành quả, những bài học kinh nghiệm của các khóa trước, các cơ quan trong bộ máy nhà nước đã nỗ lực phấn đấu, tiếp tục đổi mới cả về tổ chức, phương thức hoạt động, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Quốc hội đã có nhiều đổi mới mạnh mẽ, nâng cao hiệu quả hoạt động lập pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Chủ tịch nước với tư cách là một định chế trong tổ chức quyền lực nhà nước, đã có nhiều đóng góp tích cực vào hoạt động đối nội, đối ngoại, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều cố gắng trong tổ chức thực hiện, điều hành quản lý đất nước, quản lý xã hội một cách năng động, quyết liệt, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của cuộc sống. Các cơ quan tư pháp đã từng bước đổi mới theo lộ trình cải cách tư pháp và có nhiều tiến bộ trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, kiểm sát hoạt động tư pháp. Những kết quả đó đã đóng góp to lớn vào những thành tựu chung của đất nước.
Tuy nhiên, trước yêu cầu ngày càng cao của công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế, hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước vẫn còn những yếu kém, bất cập, chưa đáp ứng đầy đủ những đòi hỏi của việc quyết định và điều hành tổ chức thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra. Hệ thống pháp luật còn thiếu đồng bộ, một số văn bản còn thiếu thống nhất, tính khả thi chưa cao; chất lượng nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng chưa tốt; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tội phạm, tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi; cải cách tư pháp còn chậm…
Sau kỳ họp này, cùng với việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh… đề nghị các cơ quan, tổ chức quan tâm thêm một số công việc sau đây:
1. Các cơ quan trong bộ máy nhà nước cần nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến xác đáng của đại biểu Quốc hội để hoàn thiện báo cáo tổng kết đã trình Quốc hội tại kỳ họp này, đồng thời có biện pháp sớm khắc phục những hạn chế, yếu kém, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động trong thời gian tới. Về báo cáo tổng kết hoạt động của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XII, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần chỉ đạo tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội để hoàn chỉnh văn bản gửi đến các vị đại biểu Quốc hội và các cơ quan hữu quan.
2. Các cơ quan của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình cho đến kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII; tổ chức thảo luận lấy ý kiến đóng góp ở địa phương về các dự án luật mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII đã gửi xin ý kiến; tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, nắm bắt tình hình kinh tế-xã hội ở địa phương và thực hiện một số công tác khác để góp phần vào việc hoàn thành nhiệm vụ của Quốc hội khóa XII và tích cực chuẩn bị cho hoạt động của Quốc hội khóa XIII.
3. Các cấp, các ngành cần lãnh đạo, chỉ đạo chuẩn bị và tổ chức tốt cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Đây là cuộc bầu cử lần đầu tiên được tiến hành trong cùng một ngày, là đợt sinh hoạt chính trị dân chủ sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân, cần được coi là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong sáu tháng đầu năm; các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương cần phối hợp chặt chẽ để bảo đảm cuộc bầu cử diễn ra dân chủ, đúng luật, an toàn, tiết kiệm, thực sự là ngày hội lớn của toàn dân. Các vị đại biểu Quốc hội trên mỗi vị trí công tác của mình tích cực tham gia công tác chuẩn bị bầu cử, giám sát hoạt động bầu cử và tuyên truyền cho công tác bầu cử.
4. Theo quy định của pháp luật, kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII sẽ được khai mạc chậm nhất vào ngày 22-7-2011. Kỳ họp này có nhiều nội dung quan trọng như bầu, phê chuẩn nhân sự cấp cao của Nhà nước, tiếp tục xem xét các vấn đề về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, cho ý kiến và thông qua một số dự án luật và quyết định một số vấn đề quan trọng khác. Các cơ quan hữu quan cần chủ động, chuẩn bị tốt các nội dung kỳ họp, trong đó có việc chuẩn bị và báo cáo Quốc hội kết quả giải quyết những vấn đề bức xúc về kinh tế-xã hội được nêu ra tại các kỳ họp Quốc hội gần đây.
5. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan hữu quan, trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chuẩn bị các điều kiện cần thiết, góp phần tích cực để Quốc hội khóa XIII nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.
Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII đang dần khép lại, nhưng dư âm và ấn tượng tốt đẹp chắc sẽ còn đọng mãi. Nhìn lại chặng đường gần bốn năm hoạt động, chúng ta có thể nói rằng, với tâm niệm phải làm gì để xứng đáng với lòng mong đợi và sự tin cậy của nhân dân, các vị đại biểu Quốc hội đã luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, gắn bó mật thiết với cử tri, đi sát cơ sở, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri để phản ánh với Quốc hội, tích cực nghiên cứu, tham gia quyết định các vấn đề hệ trọng của đất nước. Đồng thời, thông qua hoạt động Quốc hội, mỗi chúng ta đều thấy mình trưởng thành hơn, có thêm tri thức và kinh nghiệm công tác. Dù còn những băn khoăn, trăn trở về những việc chưa làm được, nhưng với kết quả trong nhiệm kỳ qua, mỗi đại biểu có quyền tự hào là đã cố gắng phấn đấu, đóng góp sức lực, trí tuệ của mình, thực hiện trách nhiệm của người đại biểu nhân dân. Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi chân thành cảm ơn và nhiệt liệt chúc mừng các vị đại biểu Quốc hội đã hoàn thành trọng trách của mình trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII. Rồi đây, trong chúng ta, có đại biểu tiếp tục tái cử, có đại biểu đảm đương nhiệm vụ khác theo sự phân công của Đảng và Nhà nước, nhưng tôi tin chắc rằng, dù ở cương vị nào, mỗi đại biểu cũng mãi khắc sâu kỷ niệm về những năm tháng hoạt động ở Quốc hội và sẽ tiếp tục đóng góp sức mình vào công việc chung của đất nước, vì sự cường thịnh của Tổ quốc Việt Nam yêu quý của chúng ta, vì cuộc sống hạnh phúc của nhân dân Việt Nam anh hùng của chúng ta.
Nhân dịp này, thay mặt Quốc hội, tôi xin chân thành cảm ơn Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chủ tịch nước, Chính phủ, các cơ quan tư pháp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các cấp, các ngành, các bậc lão thành cách mạng, cử tri và nhân dân cả nước, bạn bè quốc tế, đồng bào ta ở nước ngoài và đội ngũ công chức, viên chức tham mưu, phục vụ, các cơ quan thông tấn, báo chí… đã đồng hành cùng Quốc hội trong suốt nhiệm kỳ qua, hết lòng ủng hộ, giúp đỡ để Quốc hội hoàn thành nhiệm vụ trước nhân dân và đất nước.
Quốc hội kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài, phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, ra sức thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, đưa nước ta tiếp tục phát triển nhanh, bền vững, trước mắt là phấn đấu hoàn thành toàn diện nhiệm vụ năm 2011.
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi xin tuyên bố bế mạc kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XII nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Chúc các vị đại biểu, các vị khách quý cùng toàn thể đồng bào, chiến sĩ cả nước sức khỏe, hạnh phúc và đạt được nhiều thành tích mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.