Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát huy vai trò “tuổi cao gương sáng”

Hiền Phương| 05/04/2023 08:49

(HNM) - Hà Nội hiện có hơn 1 triệu người cao tuổi, chiếm tỷ lệ 11,76% dân số. Phát huy vai trò “tuổi cao gương sáng”, Ban đại diện Hội Người cao tuổi các cấp thành phố Hà Nội đã động viên, khích lệ kịp thời để người cao tuổi có những đóng góp tích cực trong việc xây dựng quê hương.

Tiết mục biểu diễn tại Liên hoan tiếng hát người cao tuổi cụm thi đua số III (huyện Chương Mỹ).

Ngoài 70 tuổi nhưng bà Cao Thị Thuật ở thôn Trung Hoàng, xã Thanh Bình (huyện Chương Mỹ) đã có gần 30 năm làm cộng tác viên dân số. Gắn bó với công việc “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, bà Thuật luôn nắm rõ tâm tư, nguyện vọng của từng hộ gia đình, nhất là những hộ có hoàn cảnh khó khăn nhưng muốn sinh nhiều con, gia đình sinh con một bề và những gia đình khá giả có ý định sinh con thứ 3 trở lên... để tuyên truyền, vận động thực hiện tốt chính sách về dân số.

Tương tự, ông Lê Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Hàng Bột (quận Đống Đa) nhiều năm qua không quản ngại tuổi cao luôn tích cực tham gia công tác tại địa phương. Điển hình, trong đại dịch Covid-19, ông đã tuyên truyền, vận động các nhà hảo tâm trong và ngoài địa phương ủng hộ 1 tấn gạo, hàng trăm thùng mỳ tôm, nước sát khuẩn, xà phòng rửa tay, 5.000 chiếc khẩu trang, tặng nhiều suất quà cho các gia đình khó khăn tại các khu dân cư trong cộng đồng; vận động nhân dân mua ủng hộ hàng trăm tấn rau, củ, quả hỗ trợ nông dân các địa phương bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Hiện nay, Ban đại diện Hội Người cao tuổi các cấp thành phố tập hợp được hơn 1 triệu người cao tuổi tham gia sinh hoạt hội, đạt tỷ lệ 90,3%. Trong phong trào “Người cao tuổi làm kinh tế giúp nhau xóa đói giảm nghèo bền vững”, toàn thành phố hiện có 160.195 người cao tuổi trực tiếp tham gia lao động sản xuất, trong đó 14.590 người cao tuổi làm chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã có đóng góp vào phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống, giảm nghèo bền vững.

Tại mỗi địa bàn dân cư, người cao tuổi tích cực tham gia cuộc vận động “Đoàn kết toàn dân xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, góp phần xây dựng làng văn hóa, khu dân cư văn hóa, thực hiện tốt Quy tắc ứng xử nơi công cộng, gương mẫu thực hiện nếp sống văn minh, tiến bộ, tiết kiệm trong việc cưới, việc tang, lễ hội… Các cấp hội còn tích cực vận động hội viên và người cao tuổi đóng góp ngày công, tiền và hiến đất để xây dựng đường làng ngõ xóm, nhà văn hóa, trường học, cơ sở y tế, góp phần xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Theo báo cáo của Ban đại diện Hội Người cao tuổi thành phố, người cao tuổi các huyện, thị xã đã hiến 27.332m2 đất, đóng góp 61.008 ngày công, ủng hộ hơn 26,2 tỷ đồng.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban đại diện Hội Người cao tuổi thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Toàn cho biết, chung sức xây dựng quê hương, toàn thành phố hiện có trên 61.000 người cao tuổi tham gia công tác Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, thanh tra nhân dân, tổ an ninh tự quản… Đặc biệt, trong phòng, chống dịch Covid-19, nhiều người cao tuổi không quản ngại khó khăn, tham gia tổ Covid-19 cộng đồng, các chốt kiểm soát dịch, góp phần cùng địa phương đẩy lùi dịch bệnh; đã có hơn 12.000 người cao tuổi tham gia tổ Covid-19 cộng đồng, chốt phòng, chống dịch bệnh; vận động kinh phí, vật dụng, thực phẩm… để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng Covid-19 quy ra tiền tổng số là hơn 19 tỷ đồng…

Hoạt động có hiệu quả, nên các cấp hội đã góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng của thành phố và các địa phương. Trong quá trình hoạt động, đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, như: Ni trưởng Thích Nữ Như Hiền, sinh năm 1946, trụ trì chùa Linh Sơn, phường Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng) mỗi ngày phát 500 suất cơm cho bệnh nhân Bệnh viện K Hà Nội; ông Nguyễn Tứ Hùng, xã Tân Lập (huyện Đan Phượng) đã ủng hộ 2,4 tỷ đồng để cải tạo ao làng và làm đường giao thông xóm...

Luôn coi trọng tiềm năng, kinh nghiệm, trí tuệ, khuyến khích, động viên người cao tuổi tích cực tham gia đóng góp vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng tại địa phương cũng là cách mà cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp của thành phố tạo điều kiện để người cao tuổi nâng cao chất lượng cuộc sống và tham gia đóng góp hiệu quả vào sự phát triển của Thủ đô.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát huy vai trò “tuổi cao gương sáng”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.