(HNM) - Thạch Thất là vùng đất cổ, được hình thành cùng với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc; đây là miền đất được thiên nhiên ưu đãi,
Tháng 9-1945, Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương huyện Thạch Thất được thành lập. Vừa mới ra đời, chi bộ đã lãnh đạo và vận động nhân dân đoàn kết, xây dựng, củng cố, bảo vệ chính quyền nhân dân, chuẩn bị lực lượng kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Lãnh đạo thành phố Hà Nội và huyện Thạch Thất thăm mô hình sản xuất mạ khay cấy bằng máy. |
9 năm kháng chiến (1945-1954) là thời kỳ vô cùng khó khăn, ác liệt. Trên địa bàn huyện, địch chiếm đóng, xây dựng hệ thống đồn bốt, ngày đêm đưa quân đi càn quét, bắt bớ, bắn giết cán bộ, đảng viên, nhân dân. Trước tình hình đó, Huyện ủy đã lãnh đạo cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện kiên quyết "bám đất, bám dân", xây dựng cơ sở kháng chiến, đẩy mạnh đấu tranh cách mạng, chiến đấu ngoan cường. Các địa danh "Cẩm Bào mồ chôn giặc Pháp", "Núi Nứa cần kiệm anh hùng", "Hạ Bằng quật khởi", "Cầu sông Tân Xã anh dũng" mãi mãi đi vào lịch sử quê hương như những trang sử hào hùng, oanh liệt nhất của thời kỳ chống thực dân Pháp. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954), ngày 13-7-1954, Đảng bộ và nhân dân Thạch Thất đã anh dũng chiến đấu, nhổ hết bốt đồn, quét sạch quân thù, giải phóng quê hương.
Những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975), với tinh thần "Không có gì quý hơn độc lập tự do", "Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược", cùng với cả nước, Đảng bộ và nhân dân Thạch Thất tiếp tục bước vào cuộc chiến đấu mới, thi đua tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hậu phương vững mạnh, chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Thạch Thất đã tổ chức 32 đợt tuyển quân và tiễn đưa 10.336 người con của quê hương lên đường vào Nam chiến đấu, 1.460 người con đã anh dũng hy sinh trên chiến trường, hàng nghìn thương bệnh binh đã cống hiến một phần xương máu cho nền độc lập tự do của Tổ quốc; đóng góp gần 300.000 tấn lương thực, thực phẩm chi viện cho chiến trường miền Nam.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đảng và Nhà nước đã phong tặng, tặng thưởng 1.412 huân chương chiến công; 912 huân, huy chương kháng chiến; 565 huân, huy chương chiến thắng, chiến công; 389 bằng khen của Chính phủ. Đặc biệt, lực lượng vũ trang huyện được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhì, 45 Huân chương Hữu nghị. Được Đảng, Nhà nước ghi nhận và tặng thưởng 11 Huân chương Lao động, 1.736 bằng khen, 181 cờ thưởng thi đua cơ sở cách mạng, cơ sở kháng chiến. Có 7.366 gia đình được tặng Bảng vàng danh dự và Bảng gia đình vẻ vang. 124 bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng". 16.186 cá nhân, tập thể có thành tích đã được tặng thưởng huân chương, huy chương các loại, 1.370 bằng dũng sĩ diệt Mỹ. Trong kháng chiến chống Pháp, nhân dân và lực lượng vũ trang huyện Thạch Thất; nhân dân và lực lượng vũ trang các xã: Hạ Bằng, Cần Kiệm, Đại Đồng, Cẩm Yên, Lại Thượng, Hương Ngải, Đồng Trúc, Tân Xã, Bình Yên, Phú Kim được phong tặng danh hiệu "Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân"; nhân dân và lực lượng vũ trang xã Yên Trung được phong tặng danh hiệu "Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang" trong kháng chiến chống Mỹ; cán bộ và nhân dân xã Đại Đồng được phong tặng danh hiệu "Đơn vị Anh hùng thời kỳ đổi mới" và 3 cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân", gồm các đồng chí Đỗ Văn Châu, xã Hạ Bằng; Minh Hà (tức liệt sĩ Đỗ Thị Sinh), xã Canh Nậu; Khuất Duy Tiến, xã Đại Đồng.
Đất nước thống nhất, hòa bình và bước vào thời kỳ xây dựng CNXH, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện Thạch Thất tiếp tục phát huy truyền thống kiên cường cách mạng, đoàn kết, nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn để hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội. Trong công cuộc đổi mới, các chương trình lớn như phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa hiệu quả, bền vững; phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, chương trình giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội… đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội rõ rệt.
Ngày 1-8-2008, thực hiện Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 ngày 29-5-2008 của Quốc hội (khóa XII) về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, huyện Thạch Thất đón nhận thêm 3 xã Tiến Xuân, Yên Trung, Yên Bình của huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình và hợp nhất vào Thủ đô Hà Nội. Đến nay huyện Thạch Thất có tổng diện tích đất tự nhiên là 18.459,05ha, gồm 22 xã và 1 thị trấn, với dân số 199.147 người, trong đó dân tộc Mường chiếm 5,8%. Đảng bộ huyện Thạch Thất có 58 đảng bộ, chi bộ trực thuộc với 6.977 đảng viên, trong đó 3.102 đảng viên được trao tặng huy hiệu Đảng. Ngay sau khi về với Thủ đô, huyện Thạch Thất đã khẩn trương xây dựng và triển khai quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch ngành đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng nâng cao tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Giá trị sản xuất hằng năm tăng bình quân 12,7% . Từ một huyện kinh tế thuần nông, đến nay, giá trị công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp chiếm 67,1%; thương mại - dịch vụ và du lịch chiếm 20,2%; nông, lâm nghiệp chiếm 12,7% tỷ trọng giá trị kinh tế. 100% số xã đã xây dựng xong đề án và quy hoạch xây dựng nông thôn mới (NTM), trong đó có 6/22 xã (Đại Đồng, Hạ Bằng, Bình Yên, Phùng Xá, Hương Ngải, Dị Nậu) đã đạt chuẩn 19/19 tiêu chí, được Chính phủ tặng Bằng khen, UBND TP Hà Nội quyết định công nhận xã đạt chuẩn NTM; 16 xã còn lại đạt từ 12 đến 17 tiêu chí và năm 2014, huyện Thạch Thất phấn đấu có thêm 4 xã đạt chuẩn NTM. Công tác dồn điền, đổi thửa được Huyện ủy tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt; tính đến hết tháng 6-2014, toàn huyện đã tiến hành dồn đổi được 1.513,69ha và giao ruộng ngoài thực địa cho nhân dân 1.326,6ha, đạt 87,6% kế hoạch. Từ đó, đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa máy móc, thiết bị cơ giới hóa vào đồng ruộng, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Đẩy mạnh phong trào "Toàn dân chung sức xây dựng NTM", người dân huyện Thạch Thất hiến 17.577m2 đất (7.543m2 đất ở và 10.034m2 đất nông nghiệp), đóng góp hàng vạn ngày công xây dựng hạ tầng cơ sở nông thôn; 100% đường liên thôn, liên xã, đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa. Cùng với phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng được Huyện ủy quan tâm lãnh đạo. Sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội tiếp tục được củng cố và phát triển. Tỷ lệ chuyển lớp bậc Tiểu học đạt 99,4%, THCS đạt 99,1%, xét tốt nghiệp THCS đạt 98,7%; đào tạo nghề cho 1.918 lao động, giải quyết việc làm cho 2.364 lao động; không có hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,27%. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác quốc phòng và quân sự địa phương được củng cố vững chắc. Với những thành tích về phát triển kinh tế - xã hội những năm qua, năm 2012, huyện Thạch Thất vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
Trong những năm tới, trước những khó khăn khách quan, chủ quan chưa được khắc phục, đặc biệt sự kiện Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của nước ta, đặt Đảng bộ, nhân dân Thạch Thất trước những thách thức mới, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện cần tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang mà các thế hệ ông cha đã dày công vun đắp, củng cố sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, kiên trì thực hiện đường lối đổi mới, nắm vững thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế để đẩy mạnh phát triển kinh tế với tốc độ nhanh, bền vững, tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng NTM. Đi đôi với phát huy nội lực, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, Thạch Thất tiếp tục đưa ra nhiều giải pháp thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho các tầng lớp nhân dân. Đồng thời quan tâm hơn nữa đến việc nâng cao chất lượng toàn diện giáo dục-đào tạo, chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, tiếp tục đầu tư phát triển các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao… nhằm nâng cao một bước chất lượng cuộc sống của nhân dân; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Nhiệm vụ trước mắt của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện là tiếp tục đổi mới hoạt động của hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay"; đẩy mạnh "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"; các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng NTM và phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; phấn đấu hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội do Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII đề ra để từng bước xây dựng Thạch Thất trở thành huyện giàu mạnh, văn minh, kiên cường cách mạng, điểm sáng về văn hóa xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.