Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát huy thế mạnh làng nghề

Thanh Mai| 01/08/2013 06:41

(HNM) - Hà Nội vốn có những làng nghề nổi tiếng như: Gốm sứ Bát Tràng, Kim Lan; mộc mỹ nghệ Vân Hà, Liên Hà; đúc đồng Ngũ Xã; dát quỳ vàng bạc và may da Kiêu Kỵ; may Cổ Nhuế; rèn Xuân Phương, bánh mứt kẹo Xuân Đỉnh, dệt Triều Khúc…

Kiểm tra các sản phẩm mây tre đan trước khi đưa ra thị trường tại làng nghề Phú Vinh (Chương Mỹ). Ảnh: Bá Hoạt



Sau khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội đã trở thành "đất trăm nghề", nơi tập trung nhiều ngành nghề tiểu thủ công nghiệp (TTCN) và làng nghề nhất cả nước, với sự bổ sung nhiều làng nghề truyền thống sản xuất sản phẩm mang tính nghệ thuật - mỹ thuật cao như: Dệt lụa Vạn Phúc, khảm trai Chuôn Ngọ, sơn mài Duyên Thái, mây tre đan Ninh Sở, Phú Vinh, khảm trai Chuyên Mỹ, thêu Quất Động, tiện Nhị Khê, mộc Chàng Sơn, điêu khắc Dư Dụ, sơn tạc tượng Sơn Đồng, nón lá làng Chuông, dệt kim La Phù... được nhiều người trong và ngoài nước biết đến. Đến hết năm 2012, thành phố có 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó 244 làng có nghề truyền thống. UBND thành phố đã công nhận 281 làng đạt tiêu chuẩn, trong đó có 203 làng nghề truyền thống.

Hoạt động ngành nghề công nghiệp - TTCN thu hút khoảng 732.002 lao động với 172.440 hộ sản xuất, 2.063 công ty cổ phần, 4.562 công ty TNHH, 1.466 doanh nghiệp tư nhân, 164 hợp tác xã và 50 hội, hiệp hội. Thu nhập của người lao động làm nghề cao hơn so với lao động thuần nông, đời sống người dân được cải thiện nên tình hình an ninh chính trị ổn định hơn các làng khác. Số cơ sở sản xuất kinh doanh tại làng nghề tăng đã góp phần chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động ở nông thôn từ nông nghiệp sang làm công nghiệp - TTCN và dịch vụ.

Năm 2012, giá trị sản xuất của làng có nghề đạt 10.111,5 tỷ đồng (tăng 1.132,5 tỷ đồng so với năm 2008); giá trị sản xuất của 277 làng nghề đạt 8.232,84 tỷ đồng (tăng 1.131,84 tỷ đồng). Sản phẩm rất phong phú, từ phục vụ tiêu dùng như chế biến nông sản, thực phẩm, bánh kẹo, đồ uống, quần áo, bát đĩa, mộc… đến các sản phẩm mỹ nghệ cao cấp phục vụ tiêu dùng trong nước. Nhiều sản phẩm gốm sứ, đồ gỗ mỹ nghệ, mây tre đan, thêu, khảm trai, sơn mài, lụa tơ tằm, xương sừng... đã xuất khẩu sang các nước EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ... Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu đạt 10.304,3 triệu USD tăng 149% so với năm 2008. Một số mặt hàng đạt khá là thủ công mỹ nghệ đạt 148 triệu USD tăng 138%, trong đó đồ gỗ đạt 3,9 triệu USD tăng 134%, gốm sứ đạt 98 triệu USD tăng 156%, mây tre đan 52,6 triệu USD tăng 124%...

Đường giao thông nông thôn (GTNT) đến trung tâm các xã và làng nghề đã được nâng cấp cải tạo. Theo Sở GTVT Hà Nội, tổng chiều dài đường GTNT ngoại thành là 9.845,16km, trong đó có 6.101,71km đường liên thôn, liên xã được rải nhựa, bê tông hóa chiếm 62%... GTNT đã tạo thuận lợi cho việc vận chuyển, lưu thông nguyên liệu, hàng hóa, phục vụ ngày càng tốt hơn cho sản xuất và khách du lịch đến tham quan làng nghề. Hệ thống thông tin hiện đại được đầu tư đã cơ bản đáp ứng nhu cầu ngày càng phát triển đối với làng nghề, tạo điều kiện tìm kiếm thị trường và tiêu thụ sản phẩm.

Ngoài những lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, làng nghề có sức hút đặc biệt đối với du khách vì mỗi làng lại gắn với nét văn hóa riêng hay một hệ thống di tích lịch sử văn hóa. Du khách đến với làng nghề không chỉ ngắm cảnh mà còn tham quan nơi sản xuất, trực tiếp tiếp xúc với thợ thủ công, thậm chí còn được trực tiếp làm một vài công đoạn sản xuất sản phẩm. Trong những năm gần đây du lịch làng nghề đã được tổ chức và phát triển như các tour gắn với gốm sứ Bát Tràng, dệt lụa Vạn Phúc, mây tre đan Phú Vinh, điêu khắc Thanh Thùy, tạc tượng Sơn Đồng, sơn mài Hạ Thái...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát huy thế mạnh làng nghề

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.