(HNM) - “Để duy trì được đà phát triển, có các gương mặt tiếp nối Nguyễn Tiến Minh, không có con đường nào khác là phải phát huy thật tốt thế “kiềng ba chân”, đó là sự vào cuộc của Nhà nước - các doanh nghiệp - gia đình vận động viên”, Trưởng Bộ môn Cầu lông, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Hà Nội (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Dương Thị Liên khẳng định như vậy, khi trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về con đường tất yếu để phát triển môn cầu lông theo hướng chuyên nghiệp.
- Là người đã 40 năm gắn bó với môn cầu lông, trải nghiệm đủ vị trí từ vận động viên, nhà quản lý, huấn luyện viên của Hà Nội và đội tuyển quốc gia, bà có thể chia sẻ góc nhìn của mình về con đường phát triển theo hướng chuyên nghiệp của cầu lông Việt Nam?
- Con đường tất yếu để phát triển theo hướng chuyên nghiệp của cầu lông Việt Nam đòi hỏi phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa việc quan tâm về cơ chế, chính sách đãi ngộ của Nhà nước; sự vào cuộc, quyết tâm của gia đình cũng như cá nhân vận động viên và nguồn lực đầu tư mạnh mẽ của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong xã hội. Chúng ta đã có tấm gương của Nguyễn Tiến Minh là một minh chứng. Với niềm đam mê, ý chí tuyệt vời, sự nỗ lực, quyết tâm, kiên trì, dũng cảm của cá nhân, sự đầu tư mạnh mẽ của gia đình và sự hỗ trợ của Nhà nước, Việt Nam đã có một Nguyễn Tiến Minh lưu danh trong Bảng xếp hạng cầu lông thế giới.
Phát huy tiềm lực từ sự đầu tư của Nhà nước còn ở việc phát hiện, đánh giá được tiềm năng phát triển của vận động viên; tìm kiếm được chuyên gia giỏi; khai thác các mối quan hệ hợp tác quốc tế, hỗ trợ thủ tục cho vận động viên tập huấn và thi đấu… Với các gia đình, ngoài việc dám đầu tư cho con, thì sự chia sẻ, quan tâm, phối hợp trong công tác đào tạo, động viên con nuôi ý chí phấn đấu có ý nghĩa quan trọng. Ngoài ra, “chân kiềng thứ ba” - khai thác nguồn lực xã hội hóa cho phát triển thể thao chuyên nghiệp có vai trò quyết định, giúp vận động viên vươn tới đỉnh cao.
- Việc phát huy “chân kiềng thứ ba” phụ thuộc rất lớn vào hiệu quả hoạt động của các liên đoàn, thưa bà?
- Vận động viên chuyên nghiệp phải được thi đấu nhiều giải đấu quốc tế để tích điểm, nâng cao trình độ. Muốn vậy, các liên đoàn, hiệp hội phải thực sự là nơi kết nối giữa doanh nghiệp và vận động viên, hỗ trợ các em vươn tầm quốc tế. Nhà nước ta khuyến khích hoạt động kinh doanh thể thao chuyên nghiệp, các hình thức liên doanh, liên kết, hợp tác với các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân trong phát triển kinh doanh thể dục, thể thao. Cầu lông là môn thể thao phổ biến, gần gũi với đông đảo người dân, được nhiều cá nhân, doanh nghiệp quan tâm. Tôi nghĩ, một khi Liên đoàn Cầu lông Việt Nam và các địa phương thay đổi cung cách hoạt động, vận hành, huy động sự vào cuộc mạnh mẽ của doanh nghiệp, các vận động viên của ta sẽ có được sự đầu tư cần thiết để phát triển tài năng, vươn tầm thế giới.
- Bà đã đưa cầu lông Hà Nội lên ngôi vị Nhất toàn đoàn ở các giải trẻ cũng như giải vô địch toàn quốc nhiều năm liên tiếp, đào tạo nên nhiều tay vợt tên tuổi, cũng là một doanh nhân tài trợ nhiều cho cầu lông nói riêng và thể thao nói chung. Bài học kinh nghiệm của bà là gì?
- Khắc phục tình trạng hạn hẹp kinh phí ngân sách, ngay từ năm 2003, khi các vận động viên còn nhỏ, chưa có thành tích cao, không ai muốn tài trợ, cá nhân tôi khi ấy làm Trưởng Bộ môn Cầu lông Hà Nội đã quyết định thực hiện phương pháp bán hàng cho các thương hiệu thể thao nổi tiếng để xin tài trợ cho đội có trang phục, trang thiết bị luyện tập thật tốt. Sau đó, tôi quyết định sáng lập và đầu tư Công ty cổ phần Thể thao quốc tế Lotus, rồi thành lập Học viện Thể thao Sen Dương tại quận Long Biên, lấy kinh doanh thể thao để tạo nguồn lực đầu tư cho niềm đam mê thể thao. Bài học kinh nghiệm của tôi là luôn chủ động tìm kiếm các giải pháp để vận động viên có thể thi đấu quốc tế càng nhiều càng tốt. Thể thao chuyên nghiệp là vậy, không đầu tư không thể hái quả ngọt!
- Trân trọng cảm ơn bà!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.