Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát huy sức mạnh của nông dân

Vũ Duy Thông| 17/01/2011 06:48

(HNM) - Từ tháng 8-2008, bằng Nghị quyết 15, Quốc hội đã quyết định mở rộng địa giới hành chính Hà Nội. Với những cố gắng rất lớn, bộ mặt nông thôn Hà Nội sau khi hợp nhất đã có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống nông dân đã được cải thiện đáng kể.


Từ chỗ tỷ lệ hộ nghèo là 12,5%, sau 2 năm rưỡi, số hộ nghèo của thành phố còn 4,5%. Để nâng cao chất lượng xóa đói giảm nghèo hơn nữa, mới đây thành phố đã nâng chuẩn nghèo nông thôn lên mức thu nhập 550.000 đồng/người/tháng và cận nghèo mức thu nhập hằng tháng từ 551.000 đến 750.000 đồng/người/tháng, tiệm cận dần với chuẩn nghèo của nhiều nước.

Tính từ ngày hợp nhất đến nay, thành phố đã chi khoảng 600 tỷ đồng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn, tập trung mạnh mẽ vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là điện, đường, trường, trạm, hỗ trợ vốn sản xuất, chăm lo đời sống các hộ chính sách… Số tiền đó và các nguồn chi khác đã giúp bà con rất nhiều trong sản xuất và đời sống. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, nông dân Hà Nội cũng còn gặp không ít khó khăn, lớn nhất là sức ép cạnh tranh của thị trường, xu hướng đô thị hóa và thiếu vốn sản xuất. Hà Nội là thành phố chịu sức ép của đô thị hóa rất cao. Để đáp ứng nhu cầu nhà ở, mở mang các khu công nghiệp, làm đường, cầu cống… phải mất đi hàng nghìn héc ta đất nông nghiệp. Sức ép cạnh tranh của thị trường, yêu cầu sản phẩm chất lượng hàng hóa cao, giá rẻ trong điều kiện sản xuất còn thô sơ, lạc hậu cũng đang làm biến dạng hoặc mất đi nhiều làng nghề, mai một đi nhiều bản sắc văn hóa vùng. Nông dân cũng còn nhiều thiệt thòi khác về điều kiện tiếp cận giáo dục, y tế, dịch vụ công cộng, môi trường…

Giai cấp nông dân có vai trò quan trọng trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong sự nghiệp xây dựng đất nước. Đại hội lần thứ XI của Đảng nhấn mạnh vai trò của nông nghiệp và nông dân trong sự nghiệp phát triển đất nước, cụ thể hóa hơn nhiều chủ trương, chính sách đối với tam nông là rất đúng đắn, rất được hoan nghênh. Người dân kỳ vọng nghị quyết của Đại hội sẽ tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong việc chăm lo đời sống tinh thần và vật chất cho nông dân, trước hết là giải quyết các vấn đề nổi cộm vừa nêu. Để hạn chế việc mất đất nông nghiệp trong khi vẫn đáp ứng được yêu cầu đô thị hóa, cần coi trọng công tác quy hoạch, trong đó có việc quy hoạch xây dựng thành phố hai bên sông, tận dụng đất đồi, đất bạc màu để xây dựng, hạn chế sử dụng đất nông nghiệp. Cần đẩy mạnh hơn nữa việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo thêm việc làm có chất lượng cao, khai thác nguồn nhân lực dồi dào của nông thôn; tháo gỡ các rào cản, giúp nông dân tiếp cận nguồn vốn, tiến bộ kỹ thuật để làm giàu cho mình và cho đất nước; bảo vệ nền văn hóa truyền thống trong quá trình phát triển. Hiện nay Hà Nội có khoảng 60.000 nông dân từ các tỉnh khác về làm ăn, trên 3 triệu nông dân có hộ khẩu của thành phố. Khai thác được sức mạnh và tiềm năng của họ, sẽ là một động lực rất lớn để thành phố giải quyết những vấn đề của phát triển, đưa Thủ đô Hà Nội trở thành trung tâm kinh tế hàng đầu, mẫu mực của một nước Việt Nam công nghiệp mang tính hiện đại như mục tiêu của Đại hội đã đề ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát huy sức mạnh của nông dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.