(HNM) - Ở thôn Bồng Mạc, xã Liên Mạc, huyện Mê Linh, ông Phạm Văn Điệp được bà con nể phục bởi đã 77 tuổi, nhưng vẫn say mê phát triển kinh tế gia đình từ làm chăn nuôi.
Ông Phạm Văn Điệp. |
Nhập ngũ, là bộ đội Cụ Hồ giai đoạn 1961-1964, hết nghĩa vụ về quê sinh sống; khi Tổ quốc cần, Phạm Văn Điệp lại lên đường đi thanh niên xung phong vào làm nhiệm vụ tại tỉnh Nghệ An giai đoạn 1972-1974. Môi trường thực hiện nhiệm vụ khó khăn đã giúp ông Điệp rèn luyện ý chí quyết tâm, nghị lực và sức chịu đựng gian khổ. Khi trở về quê nhà, ông vẫn phát huy phẩm chất, truyền thống bộ đội Cụ Hồ quyết tâm tìm cách làm giàu cho gia đình, cho quê hương. Ban đầu ông đi học hỏi, nghiên cứu về phương pháp chăn nuôi lợn giống với ý định vừa phát triển kinh tế gia đình vừa giúp người dân quê ông phát triển chăn nuôi, cải thiện đời sống. Không quản vất vả, ông đi nhiều nơi học kỹ thuật và tìm nguồn giống, thức ăn. Sau khi đã tự tin với vốn kiến thức học được, ông Điệp về san lấp ao và dốc hết vốn liếng xây dựng khu chuồng trại, mạnh dạn mua 100 lợn nái về nuôi. Một năm sau, ông đã có đàn lợn con cung cấp ra thị trường và cứ thế quay vòng, mô hình chăn nuôi của gia đình ông phát triển nhanh chóng.
Không chỉ làm giàu cho riêng mình, ông Điệp chủ động tìm đến những hộ khó khăn trong thôn, ngoài xã, giúp họ con giống, thức ăn, kỹ thuật… và chỉ thu vốn về khi bà con bán lợn có lãi. Suốt những năm qua, ông Điệp giúp hàng trăm hộ thoát nghèo, làm giàu. Hiện nay, gia đình ông Điệp đã sở hữu tài sản lên tới vài chục tỷ đồng, mới đây ông đầu tư nuôi thêm vài nghìn con gà công nghiệp, mỗi năm xuất chuồng hàng ngàn lợn siêu nạc. Ngoài ra, ông đầu tư vốn làm đại lý cấp 1 về thức ăn chăn nuôi, vừa phục vụ cho đàn lợn, gà của gia đình, vừa giúp bà con mua sản phẩm gần nhà, giá rẻ hơn thị trường.
Chia sẻ về kinh nghiệm để có được cơ ngơi hôm nay, ông Điệp vui vẻ cho biết, người chăn nuôi muốn thành công, phải chịu khó từ việc tìm nguồn giống, cách chăm sóc, kỹ thuật chuồng trại, thường xuyên kiểm tra sức khỏe vật nuôi... Bản thân gia đình ông cũng không ít lần gặp cảnh cả đàn lợn, gà mắc bệnh, chết mất công, mất vốn. Nhưng bản lĩnh, quyết tâm của người lính đã giúp ông vượt qua, đạt được thành công, mang lại lợi ích cho mình và cộng đồng. Hiện nay, đã vào tuổi xưa nay hiếm, ông Điệp vẫn rong ruổi trên chiếc xe máy cũ, nhưng không phải lo phát triển kinh tế, bởi ông đã giao cho các con mình lo liệu, mà là thăm nom, giúp bà con tiếp tục phát triển nghề chăn nuôi, làm giàu chính đáng...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.