(HNM) - Việc huy động, sử dụng và phát huy hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển đất nước luôn là yêu cầu quan trọng với mọi quốc gia.
Ở Việt Nam, nhờ “giải phóng” các nguồn nội lực, thu hút các nguồn ngoại lực, đất nước đã có 35 năm đổi mới thành công. Đặc biệt, trong giai đoạn 5 năm qua, đất nước đã có những bước phát triển nhanh cả về chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, để có cơ đồ, vị thế lớn mạnh nhất từ trước tới nay.
Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng cơ chế thu hút, phân bổ và sử dụng các nguồn lực vẫn còn hạn chế, rào cản. Chẳng hạn về đất đai, tình trạng được giao đất nhưng không đưa vào sử dụng còn khá nhiều, ở cả nông thôn và thành thị. Trong khi đó, các dự án giao thông, công trình phục vụ cộng đồng thường gặp vướng mắc khi giải phóng mặt bằng, thậm chí là “nút thắt” chính khiến dự án bị chậm trễ, làm mất đi hiệu quả đầu tư.
Hay câu chuyện chậm giải ngân vốn đầu tư công vẫn là vấn đề "nóng" ở nhiều bộ, ngành, địa phương. Đặc biệt, nhiều nơi được giao nguồn vốn ODA (vốn hỗ trợ phát triển chính thức) nhưng lại thiếu vốn đối ứng dẫn tới không sử dụng được.
Với nguồn lực xã hội, Đảng, Nhà nước đã có chủ trương, chính sách phát triển doanh nghiệp tư nhân, coi đây là nguồn lực phát triển đất nước. Tuy nhiên, thực tế hoạt động cho thấy doanh nghiệp tư nhân chưa được đối xử bình đẳng trong tiếp cận cơ hội đầu tư, tín dụng, tham gia dự án công… Trong khi việc sử dụng tài sản, nguồn vốn của doanh nghiệp nhà nước cũng còn nhiều điều đáng bàn.
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định, đến năm 2025, nước ta là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, nước ta là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để hiện thực hóa mục tiêu trên, việc rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách huy động, sử dụng và phát huy hiệu quả mọi nguồn lực phục vụ phát triển đất nước càng cấp bách và cũng là thách thức không nhỏ khi các nguồn tài nguyên đất đai, năng lượng có giới hạn, nguồn lực tài chính quốc gia chưa đủ mạnh…
Theo các chuyên gia kinh tế, yêu cầu đầu tiên là phải tiếp tục xây dựng các loại thị trường và hoàn thiện cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Từ đó tạo động lực để huy động và phân bổ nguồn lực hiệu quả. Trong đó phải làm rõ vai trò điều tiết của Nhà nước từ đó vừa huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực đồng thời bảo đảm công bằng, an sinh xã hội theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tiếp đó, giải pháp đột phá là phải xây dựng và hoàn thiện hệ thống quy hoạch quốc gia, vùng và tỉnh, bảo đảm tầm nhìn lâu dài, là cơ sở định hướng phát triển; đánh giá đầy đủ nguồn tài nguyên từ đó bổ sung quy hoạch, kế hoạch huy động phù hợp, đồng thời tạo khung khổ pháp lý để quản lý chặt chẽ và giúp doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế có thể tiếp cận nguồn lực này. Đồng thời sớm hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung một số luật để giải quyết các “điểm nghẽn”, như quyền sử dụng đất, giá đất, xử lý tình trạng đất hoang hóa, chậm đưa vào sử dụng, khắc phục sơ hở trong quản lý các dự án BOT, tăng kỷ luật trong đầu tư công…
Đối với nguồn lực vốn, tài sản nhà nước và xã hội, để huy động, sử dụng và phát huy hiệu quả, trước hết phải tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, bảo đảm công bằng, minh bạch, tạo thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển. Đối với vốn đầu tư nước ngoài, cần chủ động lựa chọn và có chính sách ưu đãi thu hút dự án công nghệ cao, thân thiện môi trường, giúp doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu…
Tuy nhiên, trong các nguồn lực thì nội lực, gồm cả sức mạnh tiềm năng trong tương lai, phải là chủ yếu, là nền tảng, điều kiện cần để thu hút nguồn lực từ bên ngoài và bảo đảm sự độc lập về kinh tế. Và nguồn lực bên ngoài, không chỉ là tiền mà còn là tài nguyên tri thức của thế giới, là nguồn nhân lực chất lượng cao từ các quốc gia.
Các nguồn lực phải được sử dụng tiết kiệm, công bằng, bình đẳng, chia sẻ lợi ích giữa Nhà nước, tổ chức kinh tế và cộng đồng. Đi cùng với đó, cơ chế, chính sách phải nhất quán, đồng bộ, không thay đổi đột ngột, không gây thiệt hại đến việc sử dụng nguồn lực.
Từ quan điểm đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, giai đoạn 2021-2025 là giai đoạn tạo ra đột phá về thể chế huy động, phân bổ, sử dụng và phát huy nguồn lực cho phát triển; qua đó từng bước giảm dần nguồn lực dựa vào tài nguyên thiên nhiên, vốn đầu tư, nhân công giá rẻ, tăng dần nguồn lực tri thức, đưa tri thức thành nguồn lực chủ đạo trong phát triển đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.