(HNM) - Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, phân khúc bất động sản công nghiệp vẫn được coi là điểm sáng trên thị trường bất động sản nói chung.
Theo số liệu khảo sát của các đơn vị tư vấn bất động sản, tỷ lệ doanh nghiệp thuê, sử dụng đất tại các khu công nghiệp của nước ta vẫn rất cao (từ hơn 70% đến 99%), kể cả ở những địa phương dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích khu công nghiệp hiện có hoặc phát triển các khu công nghiệp mới để đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Một trong những nguyên nhân giúp phân khúc bất động sản công nghiệp tiếp tục là điểm sáng trên thị trường bất động sản là nhờ môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện liên tục nhiều năm qua đã giúp doanh nghiệp trong nước nhanh chóng phục hồi, duy trì sản xuất, có khả năng thích ứng nhanh với tình hình dịch bệnh. Mặt khác, dịch Covid-19 cũng khiến nhiều tập đoàn đa quốc gia phải dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu để hạn chế rủi ro và Việt Nam được chọn là điểm đến an toàn.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, phân khúc bất động sản công nghiệp cũng có những rủi ro nhất định, đó là việc thiếu hành lang pháp lý dẫn đến loại hình khu công nghiệp chưa đa dạng, phù hợp với yêu cầu và xu thế phát triển, cũng như nhu cầu của nhà đầu tư lớn. Một số khu công nghiệp vẫn đang để trống, không thu hút được doanh nghiệp vào sản xuất do giá thuê mặt bằng thiếu cạnh tranh. Các khu công nghiệp lớn tập trung ở một số địa phương, dẫn tới tập trung lao động, có thể là nguy cơ lây lan dịch bệnh…
Mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt đã “tấn công” vào một số khu công nghiệp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, song giới đầu tư nhận định, thời gian tới, phân khúc bất động sản công nghiệp vẫn rất khả quan, thậm chí có thể tăng trưởng mạnh, trở thành phân khúc dẫn dắt thị trường bất động sản.
Để hiện thực hóa nhận định trên, trước hết, hành lang pháp lý về phát triển khu công nghiệp cần sớm được bổ sung, hoàn thiện, tạo thuận lợi cho một số loại hình khu công nghiệp, khu kinh tế mới (như khu công nghiệp sinh thái) sớm phát triển, nhằm tăng tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư và đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp quốc tế quy mô lớn. Đi đôi với đó, cần tiếp tục rút gọn các thủ tục hành chính để duy trì môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi.
Thứ hai, cần sớm xây dựng, ban hành quy hoạch hệ thống các khu công nghiệp trên địa bàn cả nước để đa dạng nguồn cung bất động sản công nghiệp, một mặt đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các khu vực, địa phương, mặt khác giảm bớt chi phí giá thuê đất khu công nghiệp tại những thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.
Thứ ba, các địa phương cần chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông kết nối khu công nghiệp với cảng biển, cảng hàng không; tạo điều kiện phát triển logistics, dịch vụ hậu cần, kết nối các khu công nghiệp để hình thành chuỗi sản xuất, cung ứng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Thứ tư, nhà đầu tư bất động sản công nghiệp cần lưu ý phát triển dịch vụ thiết yếu và hạ tầng xã hội đi kèm với khu công nghiệp, như nhà ở, khu thương mại, giải trí... để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt lâu dài của công nhân, chuyên gia, khách thuê.
Làm tốt những nội dung trên, bất động sản công nghiệp sẽ vừa khắc phục được những tồn tại vừa duy trì những điểm tích cực, phát huy lợi thế để tiếp tục giữ đà tăng trưởng trong tương lai, thực sự trở thành phân khúc dẫn dắt thị trường bất động sản.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.