(HNM) - Hoạt động thanh tra nhân dân và giám sát đầu tư của cộng đồng trên địa bàn thành phố Hà Nội ngày càng đi vào nền nếp, tập trung vào các vấn đề nổi cộm mà người dân quan tâm. Nhờ đó, Mặt trận đã trở thành “kênh” quan trọng trong việc phát huy dân chủ ở cơ sở, tạo đồng thuận xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Đàm Văn Huân xung quanh vấn đề này.
Dân biết, dân kiểm tra
- Thời gian qua, các Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng trên địa bàn thành phố đã phát hiện nhiều sai phạm của các tổ chức và cá nhân, kiến nghị và tham gia góp ý kiến với chính quyền, các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về kết quả công tác này trong năm 2019?
- Bằng tinh thần trách nhiệm cao, qua giám sát và hậu giám sát, các Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng trên địa bàn thành phố đã kịp thời phát hiện nhiều vi phạm trong quá trình đầu tư xây dựng công trình, như không bảo đảm chất lượng, chủng loại vật tư; bớt xén hạng mục, thi công không đúng với thiết kế kỹ thuật ban đầu, qua đó kiến nghị chính quyền có biện pháp buộc các nhà thầu khắc phục kịp thời. Cụ thể, trong năm 2019, các Ban Thanh tra nhân dân đã giám sát 6.393 vụ việc, phát hiện 1.390 vụ có dấu hiệu vi phạm; kiến nghị với chính quyền các cấp, cơ quan chức năng xử lý 1.378 vụ, trong đó 1.372 vụ đã được xem xét giải quyết. Còn các Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã giám sát 4.017 công trình, dự án; phát hiện 302 vụ vi phạm, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý 287 vụ vi phạm về đầu tư không đúng quy định, vật tư sai quy cách, gây lãng phí, thất thoát vốn của Nhà nước… Ngoài ra, các Ban Thanh tra nhân dân và Giám sát đầu tư của cộng đồng phối hợp cùng kiến nghị thu hồi về cho nhà nước 5.699m2 đất và 58 triệu đồng.
Bên cạnh đó, hoạt động giám sát còn tập trung vào các vấn đề trọng tâm là: Thực hiện các chủ trương, chính sách pháp luật ở cơ sở; hoạt động của HĐND, UBND; thực hiện các nghị quyết của HĐND, quyết định, chỉ thị của UBND và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; phối hợp giám sát việc tổ chức và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn…
Có thể thấy, hoạt động giám sát đã góp phần tích cực vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; ngăn ngừa, phát hiện những sai phạm trong quá trình thực hiện chủ trương, chính sách, thực thi pháp luật ở cơ sở; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và đặc biệt là phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
- Việc lựa chọn người tham gia vào các Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng có gặp khó khăn gì không, thưa ông?
- Nhờ sự đổi mới trong hoạt động của hệ thống Mặt trận Tổ quốc những năm gần đây nên người dân Thủ đô đã ý thức được Mặt trận là hình ảnh của sự tăng cường dân chủ trong xã hội, là nơi gửi gắm tâm tư, nguyện vọng, thể hiện tiếng nói của nhân dân. Mặt khác, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trên địa bàn thành phố Hà Nội có thuận lợi là tập hợp được nhiều chuyên gia đầu ngành, nhiều người có trình độ, kỹ năng, uy tín để tham gia vào các hoạt động của Mặt trận, nên nhìn chung công tác thanh tra, giám sát cơ bản thuận lợi.
Hiện nay, toàn thành phố có 584 Ban Thanh tra nhân dân với 5.288 thành viên. Ban Giám sát đầu tư ở cộng đồng gồm 7.325 thành viên, trong đó có 188 thành viên Ban Thanh tra nhân dân kiêm nhiệm. Một số thành viên Ban Thanh tra nhân dân còn là thành viên Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư. Một số khác đã trải qua các cương vị công tác, có trình độ và kinh nghiệm nhất định trong lĩnh vực giám sát đầu tư, lại rất nhiệt tình trong công việc nên đã phát huy được vai trò của cộng đồng dân cư.
- Làm công tác thanh tra nhân dân hay giám sát đầu tư của cộng đồng phải là người năng nổ, bản lĩnh, có kiến thức pháp luật để xác định được đối tượng, phạm vi, nội dung giám sát. Đội ngũ cán bộ các Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng của các địa phương đáp ứng yêu cầu này như thế nào, thưa ông?
- Khác với hoạt động giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước, giám sát của Mặt trận Tổ quốc mang tính nhân dân, nghĩa là đại diện cho tiếng nói, ý nguyện của nhân dân, nêu được những vấn đề người dân quan tâm, thắc mắc. Xác định được như vậy nên các cấp Mặt trận thành phố đã và đang liên tục đổi mới phương thức hoạt động để nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, giám sát. Thành viên các Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng các địa phương đa số đều tâm huyết với công việc nên cơ bản đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ.
Ngoài ra, nhiều địa phương nêu cao nguyên tắc hoạt động “bảo đảm dân chủ, công khai, khách quan” khi triển khai giám sát nên các kiến nghị sau giám sát của các Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng được các cấp chính quyền chỉ đạo tiếp thu, nghiên cứu, xem xét giải quyết. Nhờ đó đã góp phần thiết thực vào nhiệm vụ nâng cao năng lực chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền.
Xứng đáng với sự tin cậy của nhân dân
- Thưa ông, dù đã đạt những kết quả nhất định, nhưng tại một số địa phương, hoạt động thanh tra nhân dân, giám sát đầu tư của cộng đồng còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân của những hạn chế này là gì?
- Phải thẳng thắn nhìn nhận, một số Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng còn thụ động trong xây dựng kế hoạch, chương trình hoạt động; chế độ sinh hoạt chưa thường xuyên. Việc phát hiện, nắm bắt những vụ việc phát sinh trong nhân dân chưa kịp thời. Bên cạnh đó, trình độ năng lực, trách nhiệm, kiến thức chuyên môn về các lĩnh vực liên quan đến hoạt động giám sát như kiến trúc, xây dựng, tài chính, kế toán, địa chính… của một số thành viên còn hạn chế, dẫn đến chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát chưa cao, chưa đồng đều.
Ngoài ra, một số cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở còn chưa thường xuyên quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện đối với hoạt động này, coi đây là việc của Mặt trận. Vì thế, việc xử lý, giải quyết các kiến nghị của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng ở một số địa phương còn chậm hoặc chưa dứt điểm. Công tác phối hợp trong chỉ đạo, hướng dẫn, tạo điều kiện để các Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng hoạt động giữa Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên với chính quyền cơ sở chưa thực sự chặt chẽ.
Mặt khác, hầu hết hoạt động giám sát chỉ tập trung vào các dự án, công trình có vốn đầu tư của cộng đồng hoặc các dự án do cấp xã làm chủ đầu tư. Việc tiếp cận để thực hiện giám sát đối với các dự án do thành phố, quận, huyện, thị xã làm chủ đầu tư còn hạn chế, do chủ đầu tư, đơn vị thi công không thực hiện công khai, không cung cấp tài liệu.
- Vậy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trên địa bàn thành phố sẽ làm gì để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng trong thời gian tới?
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trên địa bàn thành phố xác định, trước tiên sẽ căn cứ vào thực tiễn ở từng địa phương, cơ sở để chủ động xây dựng chương trình hoạt động. Trong đó, tập trung lựa chọn và cụ thể hóa những nội dung giám sát để bảo đảm thiết thực, hiệu quả, gắn với trách nhiệm của từng thành viên Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.
Cùng với đó, Mặt trận sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, coi đây là nhân tố cơ bản và quyết định tới hiệu quả của hoạt động giám sát. Hai thiết chế này cũng sẽ thường xuyên nắm bắt tình hình và phản ánh kịp thời những kiến nghị của nhân dân địa phương đối với các cơ quan, cấp có thẩm quyền; đề xuất biện pháp giải quyết để giúp Mặt trận Tổ quốc phối hợp giám sát các cơ quan có trách nhiệm giải quyết từ cơ sở.
Mặt khác, cán bộ Mặt trận các cấp sẽ chủ động cập nhật những văn bản, các chủ trương mới, tổ chức triển khai và tập huấn nghiệp vụ tới các thành viên Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng. Mặt trận cũng đề nghị chính quyền các cấp cần quan tâm thực hiện đúng các quy định về vai trò, chức năng của hai thiết chế nói trên và hỗ trợ kinh phí hoạt động. Mặt trận sẽ hướng dẫn việc bầu chọn thành viên các ban, bảo đảm dân chủ, khách quan, làm sao để lựa chọn được những người tiêu biểu, có uy tín, trình độ, hiểu biết về các lĩnh vực, đồng thời có bản lĩnh, không ngại va chạm để tham gia công tác, xứng đáng với sự tin cậy của nhân dân. Các địa phương cũng cần tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân để họ chủ động, nhiệt tình tham gia vào hoạt động thanh tra, giám sát nhằm phát huy vai trò của nhân dân trong quản lý xã hội, phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.