Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát hiện sớm và giúp con vượt qua chứng trầm cảm

Theo Đẹp/Vietnam+| 01/03/2011 10:39

Thật khó để bạn biết được con mình đã trải qua những xúc cảm như thế nào mỗi ngày. Nhưng bạn phải học cách hiểu và giúp con những vấn đề rắc rối về cảm xúc, nhất là chứng trầm cảm tuổi thơ.

Con bạn bị trầm cảm?

Dù con bạn là trai hay gái thì chúng cũng đều có những cung bậc tình cảm như sự thất vọng, lo âu, hạnh phúc, buồn phiền, nản lòng hay đau khổ… Những cung bậc tình cảm này có thể liên tục thay đổi trong một thời gian ngắn. Những vấn đề về trầm cảm hay nỗi thất vọng ở tuổi thơ là vấn đề cực kỳ khó xử lý đối với các bậc phụ huynh.

Tuy nhiên, bạn có thể từng bước tìm hiểu những vấn đề con bạn đang trải qua, giúp chúng đối phó, cải thiện tình hình và có cái nhìn lạc quan về cuộc sống.

Có bao nhiêu trẻ em bị trầm cảm?

Rõ ràng, trầm cảm ở trẻ nhỏ là một vấn đề lớn cần sự quan tâm của gia đình và xã hội. Trẻ em ở nhiều lứa tuổi, từ mẫu giáo cho tới độ tuổi thiếu niên đều có khả năng rơi vào trầm cảm.

Tiến sỹ Roger McIntire - nhà tâm lý học trẻ thơ và là tác giả của các cuốn sách về cách nuôi dạy con cái (như Raising Good Kids in Tough Times) cho biết: “Các rối loạn hành vi của trầm cảm xảy ra 4% ở trẻ mẫu giáo và 20% ở tuổi thanh thiếu niên, thậm chí còn cao hơn.”

Triệu chứng trầm cảm

Chúng ta đều có những ngày tồi tệ, chúng đến và đi. “Các triệu chứng của trầm cảm bao gồm nỗi buồn chán, khó chịu, không quan tâm đến các hoạt động vui chơi, giải trí, khó ngủ, ăn uống thất thường, tuyệt vọng, mất đi lòng tin, lòng tự trọng hay thường xuyên suy nghĩ về cái chết hoặc việc tự tử” - tiến sỹ tâm lý học Jennifer Connor-Smith cho biết.

Tất nhiên, trầm cảm thường rất khó chẩn đoán, nó thường đi kèm các vấn đề khác như lo lâu, lạm dụng đồ uống có cồn hoặc thiếu động lực trong cuộc sống.

Điều gì gây ra trầm cảm ở trẻ em?

Thật khó để nói chắc chắn, bởi vì trầm cảm có thể được bắt nguồn từ nguyên nhân sinh học, nguyên nhân xã hội hay bắt đầu từ các vấn đề tình cảm trong cuộc sống hàng ngày… Trầm cảm cũng có thể là có căn nguyên và hậu quả từ các vấn đề khác. Triệu chứng của nó thường kéo dài ít nhất hai tuần và thường là lâu hơn.

Nếu bạn nghi ngờ con trầm cảm…

Hãy tìm cách tiếp cận và giúp đỡ con, đặc biệt khi thấy con bạn có dấu hiệu của bạo lực hoặc cực đoan trong mọi việc.

Tiến sỹ McIntire cho rằng các bậc cha mẹ phải tinh tế nắm bắt các dấu hiệu của con và dành thời gian quan tâm tới chúng. Chúng cần một người bạn để giao tiếp và chia sẻ. Và bạn phải thật nhẹ nhàng khi giao tiếp.

Nếu nghi ngờ con trầm cảm, có những mẹo nhỏ để giúp con bạn:

- Cho chúng thời gian và không gian riêng tư

- Loại bỏ cafein trong thực đơn ăn uống hàng ngày

- Đừng bao giờ cho chúng đụng tới rượu

- Dành thời gian để tham gia các hoạt động thể chất với con, nhất là lứa tuổi thanh thiếu niên

- Tìm hiểu các loại thuốc mà con bạn đang dùng

- Khuyến khích con không nên bỏ bữa

- Giúp con duy trì giấc ngủ điều độ

- Dành thời gian làm bạn với con./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát hiện sớm và giúp con vượt qua chứng trầm cảm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.