Các nhà khoa học phát hiện một hành tinh mới chứa đầy nước và được bao phủ bởi bầu khí quyển hơi nước dày đặc.
Hình mô phỏng hành tinh GJ 1214b |
"GJ 1214b không giống bất kỳ hành tinh nào mà chúng ta đã từng biết", tiến sĩ Zachory Berta, người đứng đầu nhóm thiên văn, cho biết trên Daily Mail. "Một phần lớn diện tích của hành tinh được bao phủ bởi nước".
Hành tinh GJ 1214b, thuộc chòm sao Ophiuchus và cách Trái đất 40 năm ánh sáng, được phát hiện bằng kính thiên văn vũ trụ Hubble vào năm 2009. Nó có đường kính gấp 2,6 lần và trọng lượng gấp 7 lần Trái đất. GJ1214b quay xung quanh một ngôi sao lùn đỏ trong 38 giờ/vòng ở khoảng cách 2 triệu km. GJ1214b có nhiệt độ 230 độ C.
Năm 2010, các nhà thiên văn học cũng đã tiến hành nghiên cứu bầu khí quyển của hành tinh GJ 1214b và phát hiện thấy hành tinh này dường như được bao phủ chủ yếu là nước. Tuy nhiên, họ giải thích rằng nước quan sát được có thể là do sương mù trong bầu khi quyển của hành tinh này.
Trong khi đó, nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Zachory Berta đã sử dụng kính thiên văn vũ trụ Hubble để quan sát GJ 1214b khi nó di chuyển trước ngôi sao chủ của nó. Bằng cách ngày, họ có thể quan sát ánh sáng đi qua bầu khí quyền của GJ 1214b để biết được thành phần hóa chất trong bầu khí quyển.
Sương mù trở nên trong suốt hơn dưới ánh sáng hồng ngoại so với ánh sáng bình thường. Từ đó, các nhà khoa học phân biệt được sự khác nhau giữa một bầu khí quyển sương mù và một bầu khí quyển hơi nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.