Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát hiện nhiều vi phạm về đất đai

Thủy Hương| 05/04/2012 13:15

(HNMO) - Giao đất không đúng trình tự quy định; bảng giá các loại đất còn nhiều bất cập; thẩm định giá đất, xác định tiền sử dụng đất phải nộp NSNN tại các dự án được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất…


Đó là một loạt vi phạm được đưa ra tại kết quả thanh tra, giám sát công tác quản lý giá tại 3 tỉnh, thành phố và giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá trên địa bàn tại 20 tỉnh, thành phố do Bộ Tài chính công bố chiều 4/4.

Việc kiểm tra, giám sát trên được Bộ Tài chính chỉ đạo thực hiện trong năm 2010 và 2011 nhằm thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Cụ thể, về giao đất, tại thành phố Hà Nội, thời điểm 31/12/2010, có 49 dự án giao đất có thu tiền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân để thực hiện các dự án xây dựng khu dân cư, khu đô thị mới (do UBND tỉnh Hà Tây (cũ) và UBND tỉnh Vĩnh Phúc quyết định), đã phê duyệt đơn giá và tổng số tiền sử dụng đất của các dự án phải nộp trước khi giao đất, bàn giao đất cho các nhà đầu tư nhưng không đúng trình tự, thủ tục quy định và chưa phù hợp với quy định tại Nghị định số 84/2007 của Chính phủ, Nghị định số 69/2009 của Chính phủ. Việc giao đất không đúng trình tự quy định dẫn đến xác định tiền sử dụng đất các dự án phải nộp không phù hợp, cơ quan Thuế không đủ căn cứ để thu tiền sử dụng đất, các chủ dự án chậm nộp tiền sử dụng đất.

Ảnh minh họa


Đối với việc ban hành bảng giá các loại đất, kết quả thanh tra công tác quản lý giá tại 3 địa phương là Hà Nội, Long An, Bình Định cho thấy, năm 2010 cả 3 địa phương này đã thực hiện ban hành bảng giá các loại đất hàng năm, nhưng chưa thực hiện đúng quy định.

Đặc biệt, bảng giá các loại đất còn nhiều bất cập. Chẳng hạn, tại Hà Nội, bảng giá các loại đất tại 13 tuyến đường ở 4 quận do UBND thành phố phê duyệt nhưng không có phiếu điều tra giá đất trên thị trường (toàn bộ loại đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp không có phiếu điều tra; đất ở tại một số tuyến đường không có phiếu điều tra hoặc chỉ có phiếu điều tra tại một số vị trí đất); hầu hết giá đất trên các phiếu điều tra (giá thị trường) đều cao hơn giá đất trên bảng giá đất do UBND thành phố ban hành từ 25% trở lên.

Tại tỉnh Long An, không tiến hành điều tra, khảo sát giá đất để phân tích các mức giá đất thực tế đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thị trường của loại đất tương tự để so sánh, xác định giá của thửa đất, loại đất cần định giá để làm căn cứ xây dựng bảng giá các loại đất; địa phương chỉ căn cứ vào báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Bảng giá các loại đất năm 2009 và dự kiến Bảng giá các loại đất năm 2010 của UBND các huyện, thành phố.

Tỉnh Bình Định chưa lập đầy đủ phiếu điều tra giá đất trên thị trường theo quy định.

Về việc thẩm định giá đất, xác định tiền sử dụng đất phải nộp NSNN tại các dự án được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất.

Cụ thể, tại tỉnh Long An, Đăk Nông, không thực hiện việc thẩm định giá đất và xác định tiền sử dụng đất dự án phải nộp ngân sách theo hướng dẫn tại Thông tư số 145/2007 của Bộ Tài chính; trong đó, tỉnh Long An thực hiện miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho 3/13 dự án được thanh tra khi chưa có quyết định thành lập khu công nghiệp; tại tỉnh Đăk Nông, có 4/5 dự án được thanh tra, địa phương áp dụng giá đất được UBND tỉnh phê duyệt từ năm 2005 và cộng thêm 30% trượt giá, chưa sát với giá thị trường theo quy định tại Nghị định số 69/2009 và Nghị định số 120/2010 của Chính phủ; có 1/5 dự án, thẩm định, xác định giá đất không nhất quán, sử dụng giá đất chỉ bằng 60% đến 70% giá đất thị trường.

Hà Nội và Quảng Ninh có lần lượt 7 và 3 dự án được thanh tra. Kết quả cho thấy, hai địa phương này đã xác định giá đất và tính tiền sử dụng đất chủ dự án phải nộp NSNN theo phương pháp thặng dư theo Thông tư số 145/2007 của Bộ Tài chính nhưng việc thẩm định giá đất và xác định tiền sử dụng đất chủ dự án phải nộp NSNN không quy về cùng thời điểm; trong đó, chi phí phát triển được xác định theo tương lai (có tính đến yếu tố trượt giá); doanh thu phát triển được xác định theo giá trị tại thời điểm hiện tại (thời điểm thẩm định giá đất).

Tỉnh Bình Định có 13 dự án được thanh tra. Địa pương này đều áp dụng phương pháp so sánh theo hướng dẫn tại Thông tư số 145 nhưng có 11/13 dự án không triển khai, khảo sát và thu thập thông tin từ 3 đến 5 thửa đất có giao dịch chuyển nhượng thành công trên thị trường để làm căn cứ so sánh theo quy định.

Kết quả thanh tra, kiểm tra cũng cho thấy, hầu hết các địa phương đã triển khai thực hiện nghiêm túc Pháp lệnh Giá và các văn bản hướng dẫn thi hành; hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện đăng ký giá, kê khai giá và niêm yết giá theo quy định; xây dựng và ban hành các định mức, đơn giá theo thẩm quyền để áp dụng thống nhất trên địa bàn, có 19/23 địa phương gồm: Tỉnh Điện Biên, Cao Bằng, Hà Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Thành phố Hà Nội, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Phú Yên, Bình Định, Khánh Hoà, Tây Ninh, Bình Thuận, Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu đã ban hành văn bản quy phạm pháp luật về giá trên địa bàn. Triển khai, thực hiện kịp thời các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, Ngành trong việc thực hiện bình ổn giá cả thị trường trên địa bàn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội...; nhiều địa phương thực hiện tốt như: Điện Biên, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Khánh Hoà, Bình Thuận.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát hiện nhiều vi phạm về đất đai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.