Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát hiện nhiều tín hiệu vô tuyến không gian bí ẩn

Theo TGVN/Infonet| 26/02/2016 22:25

Nguồn tín hiệu phát ra vị trí của tín hiệu vô tuyến không gian bí ẩn này là một dải Thiên hà cách Trái đất 6 tỷ năm ánh sáng.

FRB truyền tín hiệu tới Trái Đất. (Nguồn: National Geographic)


Các nhà nghiên cứu đến từ Trung tâm khoa học quốc gia Australia (CSIRO) và Đài quan sát thiên văn học quốc gia Nhật Bản sử dụng kính viễn vọng Subaru ở Hawaii đã phát hiện nhiều xung sóng vô tuyến nhanh (FRB) - những đợt bùng phát sóng vô tuyến trong thời gian cực ngắn (vài mili giây), nhưng phát đi năng lượng nhiều bằng lượng Mặt Trời tỏa ra trong một ngày.

Cho đến nay, các nhà thiên văn học đã ghi nhận 18 trường hợp FRB, các nhà thiên văn học tin rằng có hàng nghìn sự kiện tương tự đang diễn ra hàng ngày. Và lần gần đây nhất là vào ngày 18/4/2015, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra xung sóng vô tuyến có ký hiệu FRB 150418 – kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature. Nhóm nghiên cứu ước tính, xung sóng vô tuyến có ký hiệu FRB 150418 đến từ thiên hà Elip cách 6 tỷ năm ánh sáng, được cho là sự va chạm của hai ngôi sao neutron.

Điều gì tạo ra FRB hiện vẫn còn là một ẩn số, tuy nhiên, để có thể xác định chính xác vị trí của các xung sóng vô tuyến cần dựa trên các yếu tố về phân cực ánh sáng. Ngoài ra, các xung sóng vô tuyến có thể giải quyết được các vấn đề vật chất còn thiếu trong vũ trụ.

Theo quan sát của các nhà thiên văn học, các xung sóng có thể được hình thành từ những khu vực có từ trường. Các nhà thiên văn học tin rằng, hầu hết năng lượng trong vũ trụ là năng lượng tối (chiếm 70%), vật chất tối chiếm 25% và 5% còn lại là vật chất thông thường – những vật chất chúng ta có thể quan sát được.

Tuy nhiên, việc chúng ta có thể quan sát được vật chất thông thường (gồm: các ngôi sao, các thiên hà, các hành tinh và các tinh vân) chỉ có thể cho chúng ta hiểu thêm về vũ trụ (khoảng 50%), nếu như mô hình về vũ trụ này là đúng.

Sử dụng dữ liệu FRB 150418, các nhà nghiên cứu có thể xác định vật chất còn thiếu trong vũ trụ. Chẳng hạn như sử dụng sóng vô tuyến trong không gian. Bằng cách làm chậm tần số của sóng vô tuyến trong không gian, các nhà nghiên cứu có thể xác định chính xác bao nhiêu vật chất đã “trải qua” cuộc hành trình 6 tỷ năm ánh sáng.

Bước tiếp theo, các nhà nghiên cứu sẽ tiếp tục tìm ra nhiều xung sóng vô tuyến khác và nguyên nhân gây ra FRB.

Thông tin từ CSIRO, cuối năm nay, nhóm nghiên cứu sẽ sử dụng kính viễn vọng SKA Pathfinder của Australia (ASKAP) để cố gắng xác định thêm nhiều vị trí của FRB. Nhóm nghiên cứu tin rằng có đến 10.000 FRB đang diễn ra hàng ngày. Nếu như FRB đến từ hai ngôi sao neutron va chạm vào nhau hoặc đến từ lỗ đen, chúng ta có thể hiểu biết thêm về nguồn gốc của vũ trụ trong một tương lai không xa. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát hiện nhiều tín hiệu vô tuyến không gian bí ẩn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.