(HNM) - Ngày 11-4, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã tổ chức họp báo thông báo kết quả sơ bộ nghiên cứu khảo cổ học tại thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai.
Các nhà khoa học thuộc Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), Viện Khảo cổ học - Dân tộc học Novosibirsk (Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga) đã tìm thấy 58 hiện vật đá tại di tích Gò Đá, 123 hiện vật đá tại di tích Rộc Tưng. Đặc biệt, đợt khảo sát này đã phát hiện 2 rìu tay, 11 di tích Đá cũ sơ kỳ nằm trong thung lũng bồn địa xã Xuân An, thị xã An Khê. Theo các nhà khoa học, đây là các di tích cư trú và nơi chế tác công cụ đá của người nguyên thủy.
Về kỹ nghệ công cụ đá, các công cụ đá được làm từ cuội sông, suối có độ mài mòn thấp, chất liệu đá quartz, quartzite hoặc trầm tích silic. Nhóm công cụ ghè thô thường được chế tác đơn giản, ghè trực tiếp, kích thước lớn. Loại hình công cụ nổi bật là những mũi nhọn lớn khối tam diện, công cụ ghè một mặt. Đáng chú ý nhất trong sưu tập công cụ đá ở đây là các công cụ ghè hai mặt và rìu tay được gia công với trình độ kỹ thuật và thẩm mỹ cao mang đặc trưng tiêu biểu của rìu tay giai đoạn tối cổ của nhân loại.
Các nhà khoa học cho rằng các di tích khảo cổ An Khê đều nằm trên thềm cổ nhất của Sông Ba. Đây là bằng chứng khẳng định, thượng lưu Sông Ba, vùng An Khê là địa bàn sinh sống của cộng đồng cư dân cổ cách đây khoảng trên dưới 80 vạn năm, tạm thời được xem như là mốc mở đầu cổ nhất đến nay về sự xuất hiện của con người và di sản văn hóa của họ trên lãnh thổ Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.