(HNMO) - Theo Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV), một loài cóc lạ có tên là cóc mày trắng (tên khoa học là Leptobrachium leucops) vừa được phát hiện bởi các nhà khoa học Việt Nam và Úc tại khu rừng nằm trên cao nguyên Lang Biang thuộc ranh giới hai tỉnh Lâm Đồng và Khánh Hòa, ở độ cao từ 1558 – 1900m.
Loài cóc này phân biệt với các loài cóc khác bởi kích thước nhỏ (con đực có chiều dài khoảng 38.8-45.2), khoảng 1/3 phía trên con ngươi của chúng có màu trắng; mặt bụng có màu sậm. Tiếng kêu của loài này gồm từ 1 đến 5 nốt, kéo dài khoảng 122–1699ms với tần số khoảng 1033.6–1550Hz.
Cóc mày trắng có cơ thể khá mập mạp, hơi thon về phía hông. Đầu rộng và dẹp (chiều dài và chiều rộng gần bàng nhau); mõm tròn (theo hướng lưng bụng) và dốc nghiêng (theo hướng mặt bên), có chiều dài gần bằng với đường kính mắt; mũi gần mõm hơn gần mắt; mắt to, hơi nhô, khoảng cách giữa 2 mắt gần bằng với chiều rộng của mí mắt; màng nhĩ không thấy rõ, tròn, có đường kính khoảng 40% đường kính mắt, khoảng cách giữa mắt và màng nhĩ nhỏ hơn đường kính màng nhĩ; không có răng lá mía, lưỡi to, hình trái tim, có rãnh ở phía sau.
Chân trước của chúng mảnh khảnh, các ngón không có màng bơi; Đầu các ngón cùn, hơi phình to ở đầu ngón tay; không có chai tay. Chân sau mảnh khảnh và hơi ngắn; đầu các ngón chân cùn, hơi phình to; mấu lồi trong rõ, hình oval, có chiều dài khoảng 70% chiều dài ngón chân I; không có mấu lồi ngoài.
Da lưng trơn láng với mạng lưới nếp da mảnh, phía sau lưng có các hạt nhỏ, đặc biệt là vùng gần hậu môn; nếp trên màng nhĩ kéo dài từ sau mắt tới vai; bụng có hạt, mặt bụng của các ngón trơn láng; tuyến nách tròn, nằm ở phía hông bụng, hơi phía sau vị trí nách; tuyến đùi rõ, tròn nằm ở mặt sau đùi, khoảng giữa đầu gối và hậu môn…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.