Các nhà nghiên cứu Viện sinh học Nhiệt đới tìm thấy khoảng 20 con cá heo Irrawaddy tại vùng biển quanh quần đảo Bà Lụa, khu dữ trữ sinh quyển Kiên Giang.
Loài cá heo Irrawaddy. Ảnh: Vũ Long/ Vast.ac.
Trong đợt khảo sát về đa dạng sinh học trên cạn của các đảo thuộc quần đảo Bà Lụa vào tháng 6/2010, nhóm nghiêm cứu đã thu thập được một bộ xương của cá heo Irrawady trên đảo Hòn Đá Bạc. Tháng 9 năm ngoái, nhóm tiếp tục phát hiện quần thể cá heo ước tính khoảng hơn 20 con và thu thêm 2 mẫu sọ của loài này được chôn trên đảo.
Cá heo Irrawaddy có tên khoa học là Orcaella brevirotis, thường được gọi là cá heo sông. Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) xếp loài này vào bậc sẽ nguy cấp, vì số lượng loài ngày càng suy giảm, môi trường của chúng đang bị ô nhiễm. Cá heo Irrawaddy còn bị đe dọa do việc xây dựng cxác đê biển cũng như đập thủy điện trên sông.
Hiện vẫn chưa có ước lượng đầy đủ về quần thể cá heo Irrawaddy ở khu vực này. Nhưng đó là phát hiện quan trọng về vùng phân bố cũng như số lượng cá thể của loài cá đặc biệt.
Tiến sĩ Vũ Ngọc Long, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, quần thể mới có vùng phân bố tách biệt với các quần thể cá heo Irrawady đã được ghi nhận tại hồ ven biển Songkhla, Thái Lan và quần thể tại thượng nguồn lưu vực sông Mekong.
Hiện vẫn chưa có ước lượng đầy đủ về quần thể cá heo Irrawaddy tại khu Bà Lụa. Nhưng số lượng khoảng 20 con cá heo ghi nhận lần này tương đối lớn so với các nghiên cứu trước đó ở vùng eo biển Malamyapa cũng như ở sông Mekong, vốn chỉ ghi nhận khoảng 7 – 10 con.
Trung tâm Đa dạng sinh học và Phát triển hiện đang hợp tác với các tổ chức trong nước và quốc tế nhằm tìm kiếm các giải pháp phù hợp để bảo tồn hiệu quả loài này.
Tại Việt Nam có ít thông tin về loài thú biển Irrawaddy. Trong sách đỏ Việt Nam cũng không đề cập đến loài cá heo Irrawaddy do thiếu thông tin về tình trạng cũng như vùng phân bố.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.