(HNM) - Ngày 5-1, tại hội nghị tổng kết hoạt động năm 2010, Thanh tra Chính phủ cho biết đã phát hiện sai phạm về kinh tế lên đến 7.815 tỷ đồng và 27.862ha đất. Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã đánh giá cao những đột phá của ngành thanh tra trong nhiều lĩnh vực quan trọng: tài chính, ngân hàng, cổ phần hóa doanh nghiệp…
* Hỗ trợ lãi suất “nhầm địa chỉ” gây thiệt hại hơn 115 tỷ đồng
* Nợ đọng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội lên đến 5.401 tỷ đồng
(HNM) - Ngày 5-1, tại hội nghị tổng kết hoạt động năm 2010, Thanh tra Chính phủ cho biết đã phát hiện sai phạm về kinh tế lên đến 7.815 tỷ đồng và 27.862ha đất. Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã đánh giá cao những đột phá của ngành thanh tra trong nhiều lĩnh vực quan trọng: tài chính, ngân hàng, cổ phần hóa doanh nghiệp…
Đầu năm 2009, Chính phủ có chính sách hỗ trợ lãi suất (HTLS) cho các doanh nghiệp, cá nhân vay vốn ngân hàng để phát triển sản xuất, kinh doanh nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp đã giấu vốn đem gửi tiết kiệm thu lãi cao, rồi đi vay lại với lãi suất thấp hơn để hưởng chính sách hỗ trợ.
Qua thanh tra việc cho vay HTLS tại 5 ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP): Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã phát hiện hàng loạt hồ sơ không đủ điều kiện nhận hỗ trợ, sử dụng vốn vay không đúng mục đích… lên đến gần 45.000 tỷ đồng, gây thiệt hại ngân sách chi bù lãi suất hơn 155 tỷ đồng, tạo cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp.
Trong khi nhiều đơn vị thiếu vốn thì 161 doanh nghiệp "khách hàng thân thiết" lại được 5 ngân hàng trên ưu ái cho vay hỗ trợ nhiều hơn nhu cầu vốn cần sử dụng, bỏ túi khoản HTLS 41 tỷ đồng; 137 doanh nghiệp khác được cho vay kéo dài không đúng quy định tới 58 tỷ đồng HTLS. Thanh tra đã phát hiện 13 doanh nghiệp vay HTLS ở ngân hàng VIB "giấu" 15.000 tỷ đồng và 30 triệu USD nhàn rỗi gửi tiết kiệm lãi cao ở ngân hàng khác…
Thanh tra diện rộng việc thu, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH) từ năm 2005 đến năm 2009 tại 503 đơn vị trong toàn quốc cũng phát hiện nhiều vi phạm nghiêm trọng, dẫn đến chi sai gần 17,8 tỷ đồng. Trong đó, giải quyết sai chế độ, chậm thời gian, sai lệch hồ sơ hưu trí của 163 người tại 11 tỉnh (Hà Nội, Bắc Kạn, Hà Nam, Thừa Thiên Huế…); 18.250 trường hợp nghỉ ốm đau, thai sản không đúng đối tượng, không đủ thủ tục ở Bộ Quốc phòng và 22 địa phương khác. Nghiêm trọng hơn là tình trạng "ăn chặn" tiền BHXH xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố như TP Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Bạc Liêu... Sau khi nhận tiền chế độ nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe của 5.798 trường hợp, đơn vị sử dụng lao động đã không chi trả cho người lao động, chi sai đối tượng hoặc sử dụng số tiền này cho mục đích khác.
Nguồn thu chi BHXH "căng" hơn khi tình trạng nợ đọng BHXH-BHYT diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng. Tính đến tháng 10-2010, tổng số nợ BHXH-BHYT lên đến 5.401 tỷ đồng, những địa phương có số nợ lớn, kéo dài là TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai…
Năm 2010, toàn ngành thanh tra đã triển khai 102.845 cuộc thanh tra, kiểm tra trên các lĩnh vực quản lý nhà nước, quản lý kinh tế xã hội. Qua thanh tra đã phát hiện thiếu sót, sai phạm về kinh tế 7.815 tỷ đồng, 27.862ha đất; kiến nghị thu hồi 3.567 tỷ đồng và 21.693ha đất (đã thu hồi được 493 tỷ đồng, 2.307ha đất); xử phạt vi phạm hành chính 908 tỷ đồng; xuất toán và đề nghị xem xét xử lý 4.246 tỷ đồng chi không hợp lý; kiến nghị kỷ luật hành chính 830 tập thể, 2.849 cá nhân; xử phạt vi phạm hành chính 112.074 tổ chức, cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 62 vụ. Bên cạnh đó, ngành thanh tra đã phát hiện 133 vụ, 193 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng với số tài sản là 633 tỷ đồng, đã thu hồi 122 tỷ đồng, kiến nghị xử lý hành chính 53 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra hình sự 21 vụ - 30 người, xử lý trách nhiệm 13 lãnh đạo đứng đầu đơn vị sai phạm. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.