(HNMO) - Báo cáo ban đầu từ các nhà khoa học tham gia cuộc Điều tra dân số sinh vật biển cho biết, hiện có hơn 5000 loài sinh vật đang sinh sống trong lòng đại dương.
Những loài sinh vật này bao gồm cả những sinh vật kỳ quái, đầy màu sắc cũng như những sinh vật sản sinh ra các hóa chất chữa được bệnh.
Một hội đồng các nhà khoa học đã trình bày những kết quả nghiên cứu ban đầu trên tại cuộc họp thường niên của Hội đồng Mỹ về tiến bộ khoa học vừa được tổ chức tại San Diego, Mỹ.
Bản báo cáo cuối cùng về cuộc điều tra dân số của đại dương kéo dài cả thập kỷ này sẽ được công bố chính thức vào tháng 10/2010.
Dự án điều tra dân số sinh vật biển đã thu hút sự tham gia của hơn 2.000 nhà khoa học đến từ 80 quốc gia. Các nhà khoa học tin rằng, kết quả điều tra sẽ thúc đẩy các tổ chức khoa học có các chính sách về biển để bảo vệ môi trường sống đang bị đe dọa này.
Các nhà nghiên cứu đã trình bày một số hình ảnh về những loài gây ấn tượng nhất được phát hiện trong thập kỷ vừa qua, bao gồm một con cua quá khác thường, nó được chứng nhận là một giống mới. Thành viên của gia đình cua Kiwaidae mới này được phát hiện gần đảo Phục sinh, được gọi tên là Kiwa hirsuta bởi lớp lông phủ ngoài của nó.
Một thành viên trong nhóm điều tra, Shirley Pomponi, nhà khoa học đến từ trường Đại học Florida Atlantic đã đánh giá cao một loài bọt biển mới. Đó là loài bọt biển được tìm thấy ở Florida Keys vào tháng 8/1999. Một cuộc điều tra sâu hơn đã phát hiện ra rằng, loài bọt biển này sản sinh ra một chất hóa học có khả năng kháng lại bệnh ung thư và phát hiện này hiện đang được tiếp tục điều tra nghiên cứu như một phép chữa bệnh tiềm năng.
Mục đích chính của cuộc điều tra dân số đại dương là để cung cấp sự hỗ trợ khoa học cho việc thiết lập một mạng lưới toàn cầu về các vùng biển cần được bảo vệ nhằm ngăn chặn những mối nguy từ việc đánh bắt cá và các hoạt động khác của con người.
Những vỉa đá ngầm đang bị đe dọa
Tiến sĩ Jason Hall-Spencer, một nhà hải dương học của Đại học Plymouth (Anh) đã nói rằng, những rặng san hô mỏng manh đang bị đe dọa bởi những hoạt động đánh bắt cá ở những vùng biển sâu.
"Không phải tất cả nhưng một trong những bãi đá ngầm mà tôi quan sát đang bị đe dọa rất nghiêm trọng bởi việc đánh bắt cá bằng lưới dưới đáy biển - những chiếc lưới này được kéo lê dưới đáy biển và đã làm tổn hại cho bãi đá ngầm, phá hủy đi một môi trường sống đã có hàng ngàn năm tuổi", tiến sĩ Jason nói.
"Nhưng tin tốt lành là chúng ta giờ đã có dữ liệu để thay đổi chính sách và việc làm cho những người đánh cá, để quy định những vùng biển nào nên được bảo vệ", ông nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.