Tối 4/6 tại TP. Lào Cai, tỉnh Lào Cai, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã phát động “Tháng hành động vì môi trường” hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới năm 2016.
Tham dự buổi lễ có lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tỉnh Lào Cai; đại diện cơ quan Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: "Bảo vệ môi trường không chỉ là bảo vệ cuộc sống của chúng ta hôm nay mà là bảo vệ cho cả những thế hệ mai sau". Ảnh: VGP/Xuân Tuyến |
Ngày Môi trường Thế giới 5/6 là hoạt động thường niên mà Việt Nam hưởng ứng tổ chức với mong muốn và quyết tâm cùng phấn đấu vì một môi trường sống trong lành, bền vững.
Bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu là những nhiệm vụ trọng tâm mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn quan tâm sát sao và đã cụ thể hóa tại các nghị quyết của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, các chỉ thị, nghị định của Chính phủ.
Hiện nay, các cấp, các ngành đã từng bước nhận thức đầy đủ vai trò quan trọng của công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu. Thực tế, công tác này trở thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị; công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên môi trường từng bước được hoàn thiện; các vấn đề môi trường bức xúc đang từng bước được giải quyết hiệu quả.
Tuy nhiên, hiện Việt Nam đang chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề và trực tiếp của ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu; làm thay đổi, suy thoái các nguồn tài nguyên, hệ sinh thái và đa dạng sinh học. Điển hình trong 3 tháng gần đây, hiện tượng ô nhiễm nguồn nước tại các sông, hồ, các vùng nước ven biển đang diễn biến nghiêm trọng. Những vấn đề nêu trên đã ảnh hưởng tới đời sống của nhân dân và an sinh xã hội.
Bảo vệ môi trường từ những hành động nhỏ nhất
Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng hoan nghênh Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có ý tưởng mới về việc tổ chức “Tháng hành động vì môi trường”. Đây là một hoạt động có ý nghĩa, huy động sự chung tay của cả hệ thống chính trị-xã hội và nhân dân trên cả nước.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ gửi lời cảm ơn cơ quan Liên Hợp Quốc, các tổ chức quốc tế đã tích cực hỗ trợ Việt Nam trong các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam thời gian qua.
Phó Thủ tướng cho rằng mọi công dân phải luôn tâm niệm bảo vệ môi trường không chỉ là bảo vệ cuộc sống của chúng ta hôm nay mà là bảo vệ cho cả những thế hệ mai sau; bảo vệ môi trường từ những hành động nhỏ nhất, thiết thực và gần gũi nhất.
Để thực hiện thành công, có hiệu quả “Tháng hành động vì môi trường”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu phải rà soát lại công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này, đánh giá những điểm đã làm được, điểm chưa làm được, những vấn đề còn tồn tại về cơ chế, thể chế và pháp luật. Trên cơ sở đó báo cáo và đề xuất với Chính phủ giải pháp đồng bộ nhằm kiện toàn và tăng cường năng lực của hệ thống quản lý Nhà nước về môi trường, bao gồm cả thể chế, tổ chức bộ máy, nguồn lực.
“Các bộ, ngành, địa phương cần luôn đặt yếu tố môi trường lên hàng đầu trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội; coi môi trường là trụ cột bình đẳng với phát triển kinh tế, tránh mọi biểu hiện và quan điểm phát triển kinh tế bằng mọi giá mà bỏ qua nhiệm vụ bảo vệ môi trường”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Cùng với đó, phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành môi trường; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường, kể cả biện pháp xử lý hình sự đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh cố tình vi phạm pháp luật môi trường một cách có hệ thống gây hậu quả nghiêm trọng.
Hoạt cảnh nghệ thuật trong Lễ phát động Tháng hành động vì môi trường. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến |
Phó Thủ tướng cũng nêu yêu cầu phát huy mạnh mẽ vai trò của các tổ chức chính trị-xã hội và cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là trong nhiệm vụ giám sát thực thi pháp luật về môi trường, tham vấn cộng đồng về môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường.
Về nguồn lực, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo cần tăng đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường, bảo đảm tỉ lệ chi ngân sách cho bảo vệ môi trường phù hợp với tỉ trọng đầu tư phát triển; bên cạnh đó đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư cho bảo vệ môi trường, tăng cường hợp tác công tư trong bảo vệ môi trường, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện trách nhiệm xã hội trong đó có trách nhiệm đối với bảo vệ môi trường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.