Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát động Tháng hành động vì chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm

Mai Chi| 06/01/2012 15:43

Với chủ đề

Sáng ngày 6/1 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân dự lễ phát động Tháng hành động vì chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm năm 2012.

Một số mục tiêu cụ thể

Hiện nay, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Đó là vấn đề kiểm soát nhập lậu qua biên giới, vấn đề điều kiện vệ sinh các cơ sở sản xuất, nhất là các cơ sở nhỏ lẻ, vấn đề tồn dư hóa chất, hóc môn tăng trưởng và ô nhiễm vi sinh vật ở các nông sản làm nguyên liệu thực phẩm và đặc biệt là ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm ở các bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp, nơi tập trung ăn uống đông người, khu du lịch, lễ hội.

Để ngăn chặn và hạn chế các tồn tại nêu trên, đặc biệt là phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm trong dịp Tết Nhâm Thìn và các lễ hội của dân tộc, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu phấn đấu trong Tháng hành động năm 2012 giảm được 10% số vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán và trong thời gian diễn ra các lễ hội so với cùng kỳ năm 2011; huy động các kênh truyền thông phổ biến đến 100% các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm những nội dung cơ bản của Luật ATVSTP và các văn bản hướng dẫn liên quan;

Trong năm 2012, Phó Thủ tướng nêu yêu cầu giảm số mẫu nông sản (rau, quả, thịt) được kiểm tra có tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật cấm và vượt mức cho phép xuống dưới 6% (năm 2011 là < 7% trong tổng số 847 mẫu được kiểm tra); giảm số mẫu thủy sản ô nhiễm xuống dưới 2% (năm 2011 là <3%); 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh trong nông, lâm sản, thủy sản được kiểm tra, giám sát theo quy định.

Để thực hiện các mục tiêu trên, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương chủ động phối hợp với Bộ Thông tin Truyền thông và các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Luật ATVSTP và các văn bản hướng dẫn đến toàn dân…

Bên cạnh đó, cần tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra toàn diện về ATTP trên toàn quốc, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm, đặc biệt ở tuyến huyện và tuyến xã. Công bố ngay các trường hợp vi phạm, các sản phẩm không bảo đảm chất lượng, ATTP trên các phương tiện thông tin đại chúng trong đó lưu ý tại các tỉnh, thành phố trọng điểm.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể quần chúng, UBND các cấp và các cơ quan báo chí truyền thông tích cực hơn nữa, thường xuyên hơn nữa trong việc phối hợp với các cơ quan báo chức năng triển khai có hiệu quả các hoạt động bảo đảm ATTP trong suốt cả năm 2012, đặc biệt là trước, trong và sau Tết Nguyên đán, đem lại những kết quả thiết thực, tạo chuyển biến mạnh mẽ cho công tác bảo đảm ATTP của Việt Nam giai đoạn tới. Các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật trong việc bảo đảm ATVSTP, coi việc bảo đảm ATTP là lương tâm, trách nhiệm xã hội và quyền lợi của chính doanh nghiệp.

Thực hiện nghiêm túc các quy định về ATVSTP

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, năm 2011, công tác bảo đảm ATVSTP đã đạt được những kết quả quan trọng như: Luật ATVSTP có hiệu lực từ ngày 1/7/2011; công tác hậu kiểm về ATVSTP đã được triển khai một cách mạnh mẽ từ Trung ương đến địa phương; công tác thông tin giáo dục truyền thông về ATVSTP đã được tiến hành tích cực, giúp cho nhận thức của 4 nhóm đối tượng là cán bộ lãnh đạo quản lý về ATTP, người sản xuất, chế biến thực phẩm, người kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng thực phẩm được nâng lên.

Trong năm 2011, hơn 484.000 cơ sở, sản xuất, chế biến thực phẩm đã được thanh tra, kiểm tra; đặc biệt những cơ sở vi phạm lớn đã được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo hiện nay, thời tiết ở miền Bắc, đặc biệt là dịp Tết thường ẩm ướt khiến cho các loại hạt có dầu như lạc, hướng dương, đậu... rất dễ phát sinh các loại nấm mốc. Trong khi ở phía Nam, thời tiết nóng dễ làm hỏng các thực phẩm có nguồn gốc từ động vật. Vì vậy, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cần tuân thủ nghiêm túc các quy định về điều kiện cơ sở vật chất, kiểm soát chặt chẽ nguyên liệu đầu vào, giám sát vấn đề phụ gia thực phẩm.

Về phía người tiêu dùng, chỉ mua và sử dụng thực phẩm ở những cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP, các sản phẩm đã được công bố tiêu chuẩn được bày bán ở những địa chỉ cố định, rõ ràng; khi mua đọc kỹ nhãn mác, lưu ý hạn sử dụng và đặc biệt sử dụng thực phẩm điều độ phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm trong dịp Tết Nhâm Thìn cũng như dịp lễ hội đầu xuân 2012.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát động Tháng hành động vì chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.