(HNM) - Cuối tháng 9-2010, BHXH Hà Nội sẽ chốt lại danh sách các doanh nghiệp (DN) nợ đọng BHXH để làm thủ tục khởi kiện ra tòa. Tính tới hết tháng 7-2010, có hơn 100 DN nợ đọng BHXH với số tiền lớn, có DN nợ hơn 7 tỷ đồng. Việc khởi kiện là biện pháp cuối cùng để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, song sẽ ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của DN.
Tăng mức xử phạt là một trong những biện pháp hiệu quả đối với các DN và cá nhân cố tình kéo dài tình trạng nợ đọng BHXH. |
Báo cáo của BHXH Việt Nam cho thấy, tính đến cuối tháng 6-2010, tổng số nợ BHXH trong cả nước đã lên tới 4.165 tỷ đồng, trong đó số tiền nợ của các DN chiếm tỷ lệ lớn. Nguyên nhân của tình trạng nợ đọng là do nhiều DN tuy đã hết niên độ quyết toán nhưng chưa dồn tiền trả nợ BHXH và đóng khoản BHXH phát sinh. Bên cạnh đó, DN thường phải vay ngân hàng với lãi suất cao trong khi nợ BHXH chỉ bị lãi chưa đóng, chậm đóng là 10,5%/năm (tương đương với 0,875%/tháng) nên họ đã lợi dụng kẽ hở này để cố tình nợ tiền BHXH của người lao động.
Việc nợ đọng BHXH quá lớn đã khiến ngành BHXH các tỉnh, thành phố trong cả nước phải đau đầu vì công tác thu không đạt kế hoạch đề ra. Theo báo cáo của Ban Thu (BHXH Việt Nam), tháng 6 các đơn vị BHXH trong cả nước đã thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp hơn 10.000 tỷ đồng, thì tháng 7 số thu chỉ đạt 5.600 tỷ đồng. Như vậy, tổng số thu từ đầu năm đến ngày 25-7 đạt 45,6% kế hoạch, trong đó thu BHXH bắt buộc đạt 49,1%; thu BHXH tự nguyện đạt 42,5%; thu BH thất nghiệp chỉ đạt 37,7% và thu BHYT chỉ đạt 40,1%.
Có một nghịch lý, sau 7 tháng, có 20 tỉnh, thành phố thu BHXH đạt trên 50% kế hoạch năm, nhưng chủ yếu lại là các tỉnh, thành phố có số thu nhỏ và vừa như Tuyên Quang đạt 59,3%, Lạng Sơn 57,1%, Bắc Kạn 54,4%, Hải Dương 51,9%, Hà Tĩnh 51,6%... những địa phương có số thu lớn như TP HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Đà Nẵng chỉ đạt tỷ lệ thấp hơn 50%. Tỉnh, thành phố thu đạt dưới 40% là Quảng Bình, Cần Thơ, Phú Yên, Long An, Sóc Trăng, Quảng Nam, Tiền Giang, Bình Định, Khánh Hòa và Bạc Liêu.
Tiến độ thu chậm do nợ đọng gia tăng, trong đó nợ từ 3 đến dưới 6 tháng chiếm 14,8%; nợ từ 6 đến dưới 12 tháng chiếm 11,2%. Đặc biệt, cả nước có tới 5.325 đơn vị, DN nợ BHXH trên 12 tháng với số nợ 652,6 tỷ đồng, chiếm 15,4% tổng số nợ. Trong đó, đứng đầu là TP HCM có 2.217 đơn vị, Hà Nội có 1.150 đơn vị, Bà Rịa - Vũng Tàu có 204 đơn vị, Đà Nẵng có 151 đơn vị và Bình Dương có 114 đơn vị. Những đơn vị nợ BHXH kéo dài này đều nằm trong "tầm ngắm" của cơ quan BHXH cho việc khởi kiện ra tòa.
Theo bà Nguyễn Thị Phương Mai - Giám đốc BHXH Hà Nội, có nhiều nguyên nhân khiến việc xử lý các DN nợ tiền BHXH gặp khó khăn. Hiện BHXH Hà Nội chỉ có 20 cán bộ trực tiếp làm công tác kiểm tra, trong khi số DN tham gia đóng BHXH lên tới trên 22.000 đơn vị. Theo quy định, cán bộ kiểm tra của BHXH chỉ có chức năng kiểm tra tình hình trích nộp BHXH, BHYT, chi các chế độ BHXH ngắn hạn... tại các đơn vị sử dụng lao động có tham gia BHXH, nhưng lại không có chức năng xử lý các sai phạm, do đó rất bị động trong khâu phát hiện và xử lý các DN, đơn vị nợ đọng BHXH.
Một lý do nữa đã được cơ quan BHXH nêu từ lâu nhưng chưa được chỉnh sửa, bổ sung, đó là chế tài xử phạt các DN nợ đọng BHXH quá nhẹ. Theo Nghị định 135/2007/NĐ-CP ban hành ngày 16-8-2007, mức phạt cao nhất đối với hành vi không đóng BHXH cho toàn bộ số người lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc của chủ sử dụng lao động chỉ ở mức 15 đến 20 triệu đồng. Số tiền này quá nhỏ so với hàng tỷ đồng nợ đọng BHXH. Do đó, nhiều đơn vị sẵn sàng nộp phạt hoặc chịu tính trả lãi để chiếm dụng tiền tham gia BHXH của người lao động. Chính vì vậy, theo ý kiến từ cơ quan BHXH các địa phương, để giải quyết tốt hơn tình trạng này, đã đến lúc cần tăng mức xử phạt để đủ sức răn đe; đồng thời cần xử lý hình sự đối với cá nhân sử dụng lao động cố tình tái phạm hành vi vi phạm đã bị xử phạt hành chính.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.