(HNM) - Trước diễn biến tỷ giá đồng USD, nhiều mặt hàng thực phẩm thiết yếu (thịt, cá, trứng, sữa…) trên thị trường tự do "nhảy múa". Do vậy, người tiêu dùng phải "gồng mình" thắt chặt chi tiêu hằng ngày.
Để góp phần làm "dịu" cơn sốt giá, nhiều siêu thị, cửa hàng bán lẻ tại TP vẫn giữ mức giá bán ổn định. Điều này càng khẳng định được định hướng đúng đắn của Nhà nước ta trong việc điều tiết giá cả hàng hóa, bình ổn thị trường.
Siêu thị: Giữ giá
Hiện tại, mặt bằng giá các mặt hàng thiết yếu tại những hệ thống siêu thị như: BigC, Co.opMart, Maximark... thấp hơn so với chợ lẻ. Cụ thể, giá gà thả vườn ở mức 48.000 đồng/kg; bắp cải trắng ở mức 5.900 đồng/kg, cà chua giá 5.000 đồng/kg; thanh long 28.000 đồng/kg…Mức giá này "mềm" hơn so với chợ lẻ từ 5% tới 25%, tùy loại. Bên cạnh đó, các cửa hàng bán lẻ như FocoMart, Co.opFood…cũng tăng cường bán hàng bình ổn giá, kích cầu tiêu dùng, giải quyết phần nào bài toán về giá cho người dân.
Giá các mặt hàng nông sản vẫn đang ổn định. |
Trước diễn biến tăng giá của nhiều mặt hàng (xăng, dầu, điện, nước…) hầu hết các siêu thị chưa có kế hoạch tăng giá. Ngược lại, các đơn vị này tiếp tục tăng cường khuyến mãi, giảm giá cho người tiêu dùng. Theo bà Bùi Hạnh Thu, Phó Tổng giám đốc phụ trách khối mua hàng Co.opMart cho biết: "Hiện giá bán các mặt hàng tại siêu thị Co.opMart vẫn ổn định. Chúng tôi chưa có kế hoạch tăng giá". Tuy nhiên, bà Thu cũng lo ngại khi vừa nhận được công văn dự định tăng giá bán trên 10% của 20/2.500 đơn vị cung cấp hàng. Hiện siêu thị đang rà soát, xem xét lý do tăng giá của nhà cung cấp có phù hợp không. Còn bà Nguyễn Thị Phương Thảo thì khẳng định: trên 20.000 mặt hàng tại Maximark vẫn giữ giá bán, chưa có ý định tăng giá hàng loạt như một số thông tin đồn thổi.
Thống kê cho thấy, sau Tết, sức mua tại các siêu thị hiện tăng hơn ngày thường khoảng trên 20%. Tại hệ thống siêu thị BigC đang có chương trình khuyến mãi với hơn 1.100 sản phẩm giảm giá. kèm theo các sản phẩm quà tặng. Với mặt hàng tươi sống, BigC giảm giá 25%, thủy hải sản tươi sống giảm 15%... Hiện siêu thị Co.opMart đang diễn ra chương trình khuyến mãi "Rạng ngời vẻ đẹp Việt", kéo dài từ 25-2 đến 10-3. Riêng ngày 8-3, Co.opMart tổ chức chương trình rút thăm trúng thưởng "Quà tặng yêu thương" dành riêng cho phái nữ. Theo đó, khi mua hàng tại khu tự chọn, với hóa đơn từ 500.000 đồng trở lên đối với Co.opMart TP Hồ Chí Minh, 200.000 đồng trở lên đối với Co.opMart tỉnh, khách hàng nữ sẽ có cơ hội tham gia chương trình rút thăm trúng thưởng 100% các quà tặng hấp dẫn.
Thị trường tự do: Nhảy giá
Nhiều mặt hàng tại các chợ lẻ đang tăng giá kiểu "té nước theo mưa", mặc dù hàng rau, củ…về chợ đầu mối tương đối ổn định. Tuy nhiên, hàng phân phối về các chợ lẻ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vẫn chịu mức giá cao hơn từ 30 tới 40%, hoặc có cao gấp 2-3 lần. Chẳng hạn, giá một số mặt hàng tại chợ Bến Thành (quận 1), Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), chợ Bình Tây, Cây Gõ (quận 6)…dao động từ 5.000 tới 12.000 đồng/kg; cà chua từ 10.000 tới 15.000 đồng/kg, thịt lợn đùi từ 70.000 tới 80.000 đồng/kg…Giải thích nguyên nhân tăng giá các mặt hàng, nhiều tiểu thương cho rằng chi phí vận chuyển tăng cao, kết hợp với nhiều mặt hàng ăn uống, dịch vụ nên tiểu thương đành… tăng giá!
Bên cạnh đó, không chỉ các mặt hàng rau, củ tăng giá, mà phí gửi xe tại nhiều chợ cũng tự động nhích dần lên từ 2.000 đến 3.000 đồng/chiếc, khác với lời hứa "sau Tết sẽ trở lại giá ban đầu" như của một số người. Ví dụ, tại chợ Bình Tây (quận 6), trước Tết khoảng hơn ba tháng, người dân gửi xe chỉ có 3.000 đồng/chiếc, dịp cận Tết tăng lên 4.000 đồng/chiếc, và hiện tại là 5.000 đồng/chiếc với lời giải thích "mọi thứ tăng giá nên phí giữ xe tăng theo".
Ngoài ra, những mặt hàng ăn uống, nước giải khát… cũng tăng chóng mặt. Thậm chí người dân còn mặc định với nhau rằng đó là giá tăng do ảnh hưởng của đồng USD, giá xăng dầu, điện, nước.... Mặc dù trên thực tế thì "mớ rau, con cá" không ảnh hưởng nhiều bởi sự tăng giá trên. Qua ghi nhận của chúng tôi, nhiều cửa hàng ăn, uống đều tự điều chỉnh giá mỗi món ăn, nước uống…lên từ 2.000 tới 3.000 đồng, tùy loại cho phù hợp với tình hình thực tế. Tại một quán nước trên đường Nguyễn Văn Tạo huyện Nhà Bè, nhiều người dân tìm mua dừa lạnh không có. Chị chủ quán tên Lê Thùy Trúc giải thích: "Giá dừa tươi mắc quá nên chúng tôi không dám bán. Hiện mỗi trái có giá từ 15.000-16.000 đồng, cao gấp 4-5 lần so với cách đây 5 tháng". Tại chợ Bến Thành (quận 1), dừa tươi có giá từ 18.000 - 25.000 đồng/trái. Được biết, nhiều vườn chuyên canh dừa tại các tỉnh miền Tây đã được thương lái thu gom trái bán sang Trung Quốc với số lượng lớn; hậu quả là thị trường trong nước gánh chịu cảnh giá tăng!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.