(HNMO) - Trong số các cổ đông của Renault SA vào lúc này, chính phủ Pháp nắm giữ lượng cổ phiếu lớn nhất. Đây cũng là lý do quan trọng khiến họ nổi giận trước “nguy cơ” Nissan Motor Co. và Renault SA sát nhập làm một. Hiện tại, hai đơn vị này đang hợp tác rất mật thiết dưới dạng một liên minh.
Theo thủ tướng Manuel Valls phát biểu trên sóng đài Châu Âu 1, Pháp hiện mong muốn duy trì mô hình liên minh thay vì hợp nhất của hai thương hiệu nói trên. Ông Valls cũng khẳng định hiện chưa có bất cứ tranh cãi nào giữa liên minh Nissan-Renault và chính phủ Pháp đồng thời bày tỏ sự tin tưởng tuyệt đối vào lãnh đạo hai bên. Cũng theo đó, chính phủ Pháp sẽ giảm cổ phần tại Renault từ 19,7% xuống còn khoảng 15% trong thời gian tới.
Lý do nào khiến Renault-Nissan gây ra những căng thẳng như vậy? Trước đây, chính phủ Pháp đã mua thêm cổ phần của Renault mà không thông qua Carlos Ghosn - vốn đang là giám đốc điều hành của cả hai hãng. Dù nhận được hỗ trợ từ ban giám đốc Renaul, Ghosn được biết đến là nhân vật luôn chống lại nỗ lực của chính phủ để tái lập quy tắc mới mang tên Luật Florange - cho phép chính phủ có quyền bỏ phiếu với hiệu lực gấp đôi như một nhà đầu tư có triển vọng trong tương lai.
Thực tế, nhiều thành viên hội đồng quản trị Renault khác như cựu CEO Danone SA Franck Riboud và cựu CEO của Hermes toàn cầu Patrick Thomas cũng đều phản đối Luật Florange. Hiện tại, có 10 trong số 19 thành viên hội đồng quản trị đang tỏ rõ quyết tâm huỷ bỏ quy định nói trên.
Trong khi đó, Pháp hiện cũng đã hứa hẹn sẽ bán bớt 4,7% cổ phần khi “tình hình thị trường cải thiện hơn” nhưng không đưa ra mốc thời gian cụ thể nào.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.