Theo dõi Báo Hànộimới trên

Pháp: Nội các đang lay động

Quỳnh Chi| 12/02/2011 06:44

(HNM) - Đúng vào thời điểm các đảng phái trên chính trường vừa tất bật khởi động chiến dịch vận động tranh cử cho năm 2012, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy lại phải đối mặt với những vụ bê bối vừa "lộ sáng" trong nội các. Đây có thể là một yếu tố mới "kìm chân" ông chủ Điện Elysée và Liên minh Vì phong trào nhân dân (UMP) trên "đường đua" đầy cam go trước cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới.

“Cơn sốt xã hội” đang đe dọa sự ổn định của nước Pháp.

Hiện tại, cả Thủ tướng Pháp Francois Fillon và Ngoại trưởng Michele Alliot Marie đang đối mặt với lời kêu gọi từ chức từ phe đối lập do đã nhận đài thọ từ một số nước Arab bất ổn để đi nghỉ nhân dịp Giáng sinh và năm mới vừa qua. Thủ tướng F.Fillon thừa nhận Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak đã cho ông và gia đình mượn máy bay đi tham quan thắng cảnh ở thành phố Aswan, miền Nam Ai Cập chỉ ít ngày trước khi đất nước của các Kim tự tháp bí ẩn phải hứng chịu hiệu ứng domino từ cuộc "Cách mạng hoa nhài" ở quốc gia láng giềng Tunisia. Còn nữ Ngoại trưởng M.A.Marie bị phát hiện đã hai lần sử dụng máy bay riêng của một doanh nhân Tunisia tên là Aziz Miled trong kỳ nghỉ hồi tháng 12 năm ngoái. Ông A.Miled được cho là có mối quan hệ thân thiết với Tổng thống Tunisia bị lật đổ Zine al-Abidine Ben Ali.

So với cáo buộc mà phe đối lập đưa ra nhằm vào Ngoại trưởng M.A.Marie thì Thủ tướng F.Fillon có vẻ "ít tội" hơn, bởi vì bà ngoại trưởng đến Tunisia đúng lúc bạo loạn đang xảy ra. Trong khi đó, Paris bị chỉ trích đã phản ứng chậm trước tình hình bạo loạn ở đất nước từng là thuộc địa của Pháp. Nghiêm trọng hơn, các đảng phái đối lập cho rằng, việc hai quan chức cấp cao trong Chính phủ sử dụng vị thế của mình để "nhờ vả" nước khác vào những việc cá nhân là một dấu hiệu bán rẻ danh dự và làm xấu hình ảnh của nước Pháp. Vì vậy, dù không làm tổn hại đến ngân sách quốc gia như cựu Bộ trưởng Phát triển Alain Joyande và cựu Quốc vụ khanh phụ trách phát triển vùng Paris Christian Blance, nhưng vụ việc của Thủ tướng F.Fillon và Ngoại trưởng M.A.Marie cũng khiến nội các Pháp thêm một lần nữa bị lung lay.

Những lùm xùm trong đội ngũ lãnh đạo thân tín của Tổng thống N.Sarkozy diễn ra chưa được bao lâu sau khi người đứng đầu nước Pháp vừa cải tổ nội các nhằm vực dậy uy tín đang trên đà tuột dốc vì những bê bối như gây quỹ tranh cử bất hợp pháp, quan chức tiêu xài lãng phí, công tư không rõ ràng... Cùng với chương trình cải cách lương hưu không được lòng dân và tỷ lệ thất nghiệp cao, mức ủng hộ "Công dân số 1" nước Pháp hiện chỉ còn 24% - thấp nhất kể từ khi ông lên nắm quyền năm 2007.

Trong khi đó, "cơn sốt xã hội" đang có chiều hướng trở thành "căn bệnh mạn tính" đe dọa sự ổn định của Pháp. Từ ngày 9-2, đất nước hình Lục lăng lại phải chứng kiến cuộc bãi công toàn quốc của ngành giáo dục phản đối chính sách của Chính phủ xóa bỏ 16.000 chỗ làm của giới "trồng người" nước này. Các cuộc biểu tình của giới luật sư, nghiệp đoàn cảnh sát và các nhân viên ngành tư pháp phản đối Tổng thống N.Sarkozy cũng đang khiến hoạt động tại nhiều thành phố bị tê liệt...

Trong một động thái nhằm xoa dịu dư luận, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã yêu cầu các bộ trưởng trong kỳ nghỉ hè tới không đi du lịch nước ngoài mà chỉ đi nghỉ trong nước. Theo đó, Thủ tướng và đội ngoại giao tổng thống sẽ đảm nhận nhiệm vụ giám sát việc nhận các lời mời đi nghỉ ở nước ngoài để xem xét có phù hợp với chính sách ngoại giao hay không. Các quy định minh bạch tương tự cũng sẽ được áp dụng với người đứng đầu nước Pháp. Tuy nhiên, biện pháp mới vừa được người đứng đầu Điện Elysée tung ra xem chừng khó có thể cải thiện được hình ảnh nội các Pháp trong thời điểm hiện nay. Những gì đang diễn ra đã đặt Tổng thống Nicolas Sarkozy vào thế phải đối mặt với chuỗi ngày không thể được xem là thuận lợi ngay khi cuộc đua vào chức Tổng thống Pháp vừa bắt đầu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Pháp: Nội các đang lay động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.