(HNM) - Vị trí Chủ tịch Nhóm công nghiệp phát triển (G8) sẽ được Pháp đảm nhận từ ngày 1-1-2011. Trong bối cảnh khu vực đang vật lộn với cuộc khủng hoảng nợ công cùng những khó khăn trong nước, 24 giờ tới, Tổng thống Nicolas Sarkozy sẽ phải chuẩn bị cho một năm "mất ngủ".
Hiện tại nợ công của quốc gia hình lục lăng này đã lên tới gần 1.500 tỷ euro, tương đương 82% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và dự kiến sẽ lên tới 84% trong năm 2011. Tỷ lệ này vượt xa mức quy định 60% theo Hiệp ước Maastricht dành cho các nước thuộc Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Như vậy, mỗi người dân Pháp đang phải "cõng" trên lưng một món nợ chừng 25.000 euro. Đó là còn chưa kể đến "lỗ thủng" ngân sách nhà nước cũng đang ở mức 8,2% GDP. Thế nhưng kế hoạch đưa thâm hụt về mức trần 3% theo quy định của Liên minh châu Âu (EU) đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các tầng lớp ở Pháp vì bị cho là đụng chạm đến nền tảng của cơ cấu xã hội vốn hình thành suốt 150 năm qua.
Các nền kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu đang gặp nhiều khó khăn do nợ công. Ảnh: Reuters |
Trong khi đó, những diễn biến tài chính của khu vực đang có nguy cơ làm trầm trọng thêm căn bệnh "viêm màng túi" của Pháp. Theo dự báo, tổng nợ công của EU có thể lên tới 100% GDP vào năm 2014, tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 2% năm 2010 và 1,5% năm 2011, khi tỷ lệ thất nghiệp đã lên mức cao kỷ lục 8,3% và có khả năng tiếp tục tăng. Trong khi đó, nhà phân tích kinh tế của Tạp chí Sicheres Geld về đầu tư có số lưu hành lớn nhất ở châu Âu, cũng là nhà phân tích tiền tệ của Tạp chí Tiền tệ và thị trường (Mỹ), ông Claus Vogt, cảnh báo nhiều chính phủ châu Âu sẽ không đủ khả năng thanh toán nhanh các khoản nợ công khổng lồ; đồng thời tình hình tài chính tại các nước: Bồ Đào Nha, Ireland, Hy Lạp và Tây Ban Nha vẫn chưa hết nguy ngập. Sự thật cho thấy, các nước mạnh hơn về tài chính càng tài trợ nhiều cho các "con nợ" lớn thì chính họ lại càng tự đẩy mình lún nhanh hơn vào khủng hoảng tiền tệ khiến khủng hoảng nợ công càng lan rộng. Hệ lụy này tạo nguy cơ kéo thêm nhiều nước vào vòng xoáy nợ công nguy hiểm đang hình thành trên phạm vi toàn cầu. Trong bối cảnh như vậy, chỉ cần một cơn địa chấn tiếp theo trên các thị trường tài chính có thể khiến mọi nỗ lực "lành mạnh hóa" nền kinh tế Eurozone biến thành con số 0. Điều này hoàn toàn có cơ sở vì trên bình diện quốc tế, Quỹ tiền tệ thế giới (IMF) cảnh báo, nợ công của toàn cầu trong năm 2010 có thể lên tới hơn 40.000 tỷ USD, trong đó phần lớn các con nợ thuộc G8. Đến năm 2014, nợ công của các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) có thể lên tới 118% GDP.
Quỹ thời gian của Tổng thống N.Sarkozy không còn nhiều. Năm 2012 là năm bầu cử tại Pháp, nên chỉ còn một năm 2011 để thực hiện những gì cần thiết cho việc kéo dài quyền lực. Trong khi đó, diễn biến tại đất nước hơn 62 triệu dân này những ngày qua đang có nguy cơ làm chệch hướng mọi mục tiêu của Tổng thống N.Sarkozy khiến lộ trình tại vị chiếc ghế chủ nhân Điện Elisée thêm một nhiệm kỳ nữa của ông trở nên gian nan hơn bao giờ hết.
Đã xuất hiện lo ngại rằng, với chồng chất khó khăn trong đối nội, "Công dân số 1" nước Pháp khó có thể vững tay chèo trong vai trò "thuyền trưởng" của G8 và cả vị trí "đầu tàu" Nhóm các quốc gia có nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) vừa được chuyển giao tại Hội nghị Thượng đỉnh ở Seoul (Hàn Quốc) vào giữa tháng 11 vừa qua.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.