Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Pháo lệnh” cho cuộc Đồng khởi

Quốc Bình| 17/01/2020 08:31

(HNM) - Cuối năm 1959, Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Tăng cường đoàn kết, kiên quyết đấu tranh giữ gìn hòa bình, thực hiện thống nhất đất nước” đến với các địa phương miền Nam. Ngay lập tức, văn bản lịch sử này đã thổi bùng lên ngọn lửa cách mạng, mở ra cao trào cách mạng mới; thật sự là “pháo lệnh” cho công cuộc Đồng khởi ở miền Nam Việt Nam.

Khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng

Sau khi Hiệp định Geneva (tháng 7-1954) có hiệu lực, đất nước ta tạm chia làm hai miền. Ở miền Nam, đế quốc Mỹ ra sức phá hoại Hiệp định, hất cẳng Pháp, thiết lập chính quyền Ngô Đình Diệm và quân đội tay sai. Chúng tiến hành nhiều cuộc thảm sát đẫm máu và thực hiện biện pháp “tố cộng, diệt cộng”. Chỉ trong vòng 4 năm (1955-1958), cả miền Nam tổn thất 9/10 số cán bộ, đảng viên, chỉ còn khoảng 5.000 so với 60.000 đảng viên trước đó. Khoảng 70.000 người bị địch giết hại. Gần 90.000 cán bộ, nhân dân bị địch bắt, tù đày. Gần 20.000 người bị địch tra tấn thành thương tật.

Trước tình hình khủng bố ngày càng gay gắt của địch, tháng 1-1959, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp, thống nhất ban hành Nghị quyết 15 về “Tăng cường đoàn kết, kiên quyết đấu tranh giữ gìn hòa bình, thực hiện thống nhất đất nước”. Nghị quyết nêu rõ mục tiêu, con đường của cách mạng miền Nam lúc này là “lấy sức mạnh của quần chúng dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ chính quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân”. Cuối năm 1959, Nghị quyết 15 về đến các địa phương miền Nam đã thổi bùng lên ngọn lửa cách mạng, mở ra cao trào cách mạng Đồng khởi ở miền Nam Việt Nam đầu năm 1960.

Giữa tháng 11-1959, Xứ ủy Nam Bộ triệu tập Hội nghị lần thứ tư bàn biện pháp thực hiện Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng. Bản nghị quyết của Hội nghị đã vạch ra những công tác cụ thể, trong đó đề cập việc đẩy mạnh hoạt động vũ trang tuyên truyền, thiết thực hỗ trợ thúc đẩy phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng. Tháng 12-1959, Liên Tỉnh ủy 7 tỉnh miền Trung Nam Bộ tổ chức hội nghị để bàn các biện pháp đẩy mạnh phong trào cách mạng tiến lên giành thắng lợi mới. Hội nghị đã quyết định “Phát động quần chúng khởi nghĩa ở xã, ấp”.

Tại Bến Tre, thực hiện chủ trương trên, Tỉnh ủy đã thống nhất, kiên quyết phát động và lãnh đạo quần chúng toàn tỉnh nổi dậy, chọn 3 xã Bình Khánh, Phước Hiệp, Định Thủy (huyện Mỏ Cày cũ) làm điểm chỉ đạo. Sáng 17-1-1960, “tổ hành động” của xã Định Thủy đánh chiếm Tổng đoàn dân vệ đóng tại đình Định Phước, thu toàn bộ súng đạn, mở đầu cuộc Đồng khởi. Cũng trong ngày 17 và 18-1-1960, cuộc nổi dậy đã nổ ra ở các xã Bình Khánh, Phước Hiệp và các xã khác trong huyện Mỏ Cày, sau đó lan ra cả Cù Lao Minh và toàn tỉnh Bến Tre, làm tan rã hệ thống kìm kẹp của địch.

Sau thắng lợi vang dội ở Bến Tre, phong trào Đồng khởi đã phát triển đồng loạt trên khắp miền Nam. Tính đến cuối năm 1960, ta đã giành quyền làm chủ ở 1.363 xã trên toàn miền Nam, giải phóng 5,6 triệu dân. Phong trào đã huy động được hàng triệu người tham gia đấu tranh chính trị trực diện, thu lại 170.000ha đất trả cho nông dân.

Với thắng lợi của phong trào Đồng khởi, ngày 20-12-1960, tại xã Tân Lập, huyện Châu Thành (nay là huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh), Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, đáp ứng nguyện vọng tha thiết của nhân dân miền Nam, tập hợp rộng rãi quần chúng đấu tranh vì hòa bình, thống nhất Tổ quốc.

Sức mạnh của “Đồng khởi mới”

Phong trào Đồng khởi đã giáng một đòn nặng nề vào chính sách thực dân của Mỹ, làm lung lay tận gốc chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm. Thắng lợi của phong trào Đồng khởi đã khẳng định tính đúng đắn, kịp thời của đường lối cách mạng mà Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng đã vạch ra, đồng thời thể hiện sâu sắc quan điểm quần chúng của Đảng và Bác Hồ, thấy được sức mạnh to lớn của nhân dân. Phong trào đã hình thành và phát triển nghệ thuật tiến công địch một cách độc đáo của nhân dân Bến Tre. Đó là sự kết hợp “2 chân”: Chính trị, quân sự; 3 mũi giáp công: Chính trị, quân sự và binh vận. Sau này, trung ương đã đúc kết và phổ biến toàn miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đưa cách mạng miền Nam đến thắng lợi hoàn toàn.

Tự hào trên quê hương Đồng khởi, từ sau ngày đất nước thống nhất, Đảng bộ tỉnh Bến Tre đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết để phát huy mạnh mẽ tinh thần Đồng khởi năm xưa, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Trong đó, ngày 7-1-2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 16-CT/TU về Phát động phong trào thi đua “Đồng khởi mới”. Qua 5 năm thực hiện chỉ thị, kinh tế - xã hội tỉnh Bến Tre phát triển khá toàn diện. Trong đó, tăng trưởng kinh tế và thu nhập bình quân đầu người mỗi năm một tăng cao. Diện mạo nông thôn, thành thị ở quê hương xứ dừa ngày càng đổi mới. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, nâng lên. Đến năm 2019, tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 7,39%, thu nhập bình quân đầu người đạt 38,9 triệu đồng/năm.

Hòa cùng với cán bộ và nhân dân Bến Tre, phát huy truyền thống cách mạng và tinh thần Đồng khởi năm xưa, cán bộ và nhân dân cả nước đã đoàn kết một lòng, nỗ lực phấn đấu giành được nhiều thắng lợi quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, nổi bật là những thành tựu có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới, đưa vị thế đất nước ngày càng lớn mạnh trên trường quốc tế.

60 năm đã qua, song giá trị những bài học kinh nghiệm, bài học lịch sử từ phong trào Đồng khởi đến nay vẫn vẹn nguyên, đã và đang được nhân dân Bến Tre và nhân dân cả nước phát huy trong sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Pháo lệnh” cho cuộc Đồng khởi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.