1- Những ngày ở Viêng Chăn theo dõi SEA Games 25, nếu theo dõi sự cổ vũ dành cho đội tuyển nam nữ chắc người ta cũng nhận ngay ra sự khác biệt: số người Việt Nam cổ vũ cho đội U23 nam lớn hơn nhiều cho dù trên sân, mồ hôi, nước mắt, sự cực nhọc của cả 2 đội cùng như nhau, cả hai cùng thi đấu hết mình để mang lại vinh quang cho bóng đá Việt Nam cũng như chính bản thân họ.
Thậm chí ngay cả khi đội tuyển bóng đá nữ thi đấu trận chung kết với Thái Lan trên SVĐ Chao Anouvong chỉ có sức chứa hơn 5.000 người thì khán đài cũng không được lấp đầy như hôm đội tuyển nam thi đấu trận bán kết với Xingapo cũng trên SVĐ này. Dĩ nhiên, người từng theo dõi bóng đá nữ lâu năm cũng như chính người trong cuộc cũng không bất ngờ. Nó là chuyện lâu nay cho dù 4 chức vô địch SEA Games mà đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam giành được "ăn đứt" cánh đồng nghiệp bóng đá nam. Nó cũng phản ánh chỗ đứng của bóng đá nữ trong làng bóng đá Việt Nam: giải vô địch quốc gia có ít đội tham dự, khán giả tới sân ít, lương thưởng của của cầu thủ nữ cũng ít nếu so với các cầu thủ nam, các nhà tài trợ cũng ít chú ý hơn...
Bóng đá nữ vẫn chưa nhận được sự quan tâm thích đáng của xã hội. Ảnh: Nhật Nam |
2 - Đúng Ngày Quốc tế phụ nữ 8-3 tới, Giải vô địch bóng đá nữ quốc gia sẽ khai mạc ở Hà Nam. Vậy mà trước đó độ chục ngày, đơn vị vận động tài trợ của LĐBĐ Việt Nam vẫn mướt mồ hôi đi tìm nhà tài trợ cho giải. Chức vô địch SEA Games 2009 của đội tuyển nữ Việt Nam dường như vẫn chưa tạo nên sức hút lớn với các nhà tài trợ, khác hẳn với bên bóng đá nam sau khi đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2008. Giải đã sang mùa thứ 12 nhưng chỉ từ năm 2007 mới có nhà tài trợ cho giải. Các doanh nghiệp chỉ tài trợ một mùa rồi rút lui. Và cũng phải đến ngày cuối tháng 2, nỗi lo không có nhà tài trợ cho giải mới được giải tỏa khi Công ty cổ phần Dinh dưỡng Hồng Hà (được biết đến qua sản phẩm dành cho gia súc, gia cầm Cánh Buồm Đỏ) nhận lời làm nhà tài trợ chính cho giải. Khi đi đến quyết định này, cũng có những cấn cá của nhà tài trợ, nhất là về hiệu quả khuếch trương thương hiệu. Ông Đỗ Đức Tiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dinh dưỡng Hồng Hà kể rằng, phải đến khi đọc một bài báo kể về những khó khăn trong việc tìm nhà tài trợ cho giải năm nay ông mới quyết định tài trợ cho giải. Ngoài ra, nếu đội Hà Nam không dự giải năm nay có lẽ ông cũng không tài trợ cho giải. Ngay ở buổi lễ ký kết hợp đồng tài trợ, ông Đỗ Đức Tiến đã nói: "Tài trợ cho giải cũng là một cách để chúng tôi chia sẻ với những khó khăn của bóng đá nữ Việt Nam cũng như biểu lộ sự đồng hành với những cô gái đá bóng Việt Nam đã dũng cảm vượt qua định kiến của nhiều người để theo đuổi niềm đam mê của mình". Tóm lại đó là một quyết định có cả tiếng nói của con tim lẫn lý trí.
3 - Ông Đỗ Đức Tiến cũng chia sẻ rằng, nếu có các doanh nghiệp lớn tài trợ cho giải với mức tiền lớn hơn thì ông cũng vui vẻ đứng ngoài. Tuy vậy, dù doanh nghiệp của ông không phải quá lớn nhưng cũng được làm nhà tài trợ chính của giải - điều này khiến ông vừa vui vừa buồn. Tổng Thư ký LĐBĐ Việt Nam Trần Quốc Tuấn thì cũng lạc quan cho rằng, sự quan tâm của các doanh nghiệp, tổ chức dành cho bóng đá nữ đã tích cực hơn trước rất nhiều. Thực tế là vậy khi nhiều CLB dự giải quốc gia năm nay có nhà tài trợ cho dù không nhiều tiền như bên bóng đá nam. Ngay đội nữ Việt Nam giành chức vô địch SEA Games 25 cũng nhận được tổng số tiền thưởng nhiều hơn cả đội nam khi giành chức vô địch AFF Cup 2008. Nhưng từng ấy vẫn chưa đủ nếu so sánh với những đóng góp của các cô gái dành cho bóng đá Việt Nam nói riêng, thể thao Việt Nam nói chung. Chẳng lẽ chỉ do là phận nữ mà cứ đến mỗi trước mùa giải bóng đá nữ quốc gia, các nhà tổ chức lại phải mướt mải đi tìm tài trợ?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.