Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phân loại để ứng xử cho phù hợp

Đặng Thủy| 26/12/2010 07:04

(HNM) - Không phải đến bây giờ khi hội thảo


Và dịp Đại lễ vừa qua nhiều nghiên cứu khoa học, nhiều hội thảo quốc tế cũng dành không ít thời gian, giấy mực cho việc bảo tồn kiến trúc Pháp ở Hà Nội. Chuyện cũ nói mãi là vì sao?

Kiến trúc Pháp và di sản đô thị Hà Nội


Kiến trúc Pháp ở Hà Nội mang nét đẹp cổ kính và sang trọng. Ảnh: Trung Kiên


Những dấu ấn văn hóa, kiến trúc Pháp còn hiện diện ở mảnh Hà thành cho đến tận hôm nay đã chứng tỏ một cuộc giao thoa văn hóa đầy thú vị. Việc nhìn nhận, đánh giá vai trò của kiến trúc Pháp với thủ đô Hà Nội một cách chính xác sẽ làm rõ những đặc thù trong quá trình hình thành diện mạo đô thị Hà Nội đồng thời định hướng cho sự phát triển tiếp theo.

Ông Đỗ Hoàng Ân - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị (QHPTĐT) Hà Nội khẳng định: "Văn hóa kiến trúc Pháp đã là yếu tố không thể thiếu trong quỹ di sản đô thị và lịch sử Hà Nội". KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội QHPTĐT Hà Nội cho rằng, xét về tổng thể cấu trúc đô thị, các khu phố Pháp đã tạo nên nét đặc trưng mà không phải đô thị nào cũng có, kể cả đô thị ở Pháp: "Trên nền của quy hoạch hiện đại châu Âu, khu phố Pháp ở Hà Nội đã có sự kết hợp giữa các yếu tố truyền thống, điều kiện khí hậu, phong tục tập quán Á Đông cảnh quan tự nhiên… Nhờ vậy, khu phố rất có giá trị cả về kiến trúc đô thị, trong đó cây xanh - mặt nước là những thành phần đặc biệt được chú trọng. Nhiều khu vực như vườn Bách thảo, các vườn hoa, quảng trường, không gian quanh Hồ Gươm, cây xanh trên hè phố... đã tạo ra những đặc trưng cho đô thị Hà Nội".

Nhưng sự quan trọng của kiến trúc Pháp ở Hà Nội còn thể hiện ở sự đa dạng, phong phú của các công trình với nhiều chức năng khác nhau ngoài hàng loạt biệt thự như Phủ Thủ tướng, Nhà khách chính phủ, Tòa án tối cao, Nhà hát Lớn, Bưu điện, Bệnh viện, Ngân hàng nhà nước… Giữ gìn kiến trúc Pháp cũng còn là việc giữ gìn sự toàn vẹn giữa các công trình đó. Thiếu vắng đi, làm mai một đi một dạng công trình nào đó cũng có nghĩa là "phá" mất sự cân đối vốn có của tổng thể gương mặt kiến trúc Pháp ở Thủ đô xinh đẹp của chúng ta. GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính đã hơn một lần nhấn mạnh như vậy.

Áp lực đô thị hóa

Cơn lốc đô thị hóa đã cuốn đi nhiều giá trị di sản văn hóa trong đó kiến trúc cũng không ngoại lệ. Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội QHPTĐT Việt Nam bày tỏ sự lo ngại trước thực tế xây dựng nhiều bất cập ở các khu phố Pháp hiện nay. "Nhiều chỗ đã xây cao đến 8 hay 9 tầng. Nếu cứ mở mang như thế thì chỉ 5 hay 6 năm nữa chúng ta sẽ mất khu phố Pháp".

GS Nguyễn Bá Đang từng làm việc nhiều năm tại Viện Nghiên cứu kiến trúc cũng bày tỏ tiếc nuối khi nhắc đến những công trình kiến trúc Pháp một thời hiện hữu ở Hà Nội nay đã không còn, như nhà máy điện Yên Phụ, sân Quần Ngựa… Từ sự "vắng bóng" này ông cũng lo lắng cho những công trình kiến trúc Pháp xưa còn đang tồn tại: "Bệnh viện Bạch Mai khi cải tạo lại khác rất nhiều, Nhà máy rượu bia cũng đang mất dần, các biệt thự hoặc rêu phong hoặc biến dạng…".

Từ thực tế thực hiện hai dự án "Rà soát, nghiên cứu phân loại biệt thự Pháp tại Hà Nội" và "Nghiên cứu bảo tồn khu phố Pháp tại Hà Nội", ông Doãn Minh Khôi, Viện trưởng Quy hoạch Kiến trúc nhấn mạnh đến yếu tố nhận thức của cộng đồng về giá trị của di sản. Để sinh lời và tăng hiệu quả sử dụng đất, nhiều biệt thự bị thay thế bởi những nhà cao tầng. Bên cạnh đó các công trình công cộng bị biến dạng trong quá trình cải tạo, hệ thống giao thông công cộng, hạ tầng cơ sở từ thời Pháp giờ đã tỷ lệ nghịch với cơ cấu dân cư…

Sau hội thảo sẽ còn bàn thảo?

Rõ ràng qua các diễn đàn khác nhau, giới khoa học đã lên tiếng, cơ bản có những điểm chung. Bài toán bảo tồn được giải với sự đóng góp của nhiều ý kiến. Song vẻ như, mọi thứ vẫn chưa tiến xa được nhiều kể từ điểm nóng trên bàn hội thảo.

KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, cần xác lập khu phố Pháp với phân khu cụ thể để có thái độ ứng xử phù hợp, đồng thời xây dựng các tiêu chí để đánh giá, từ đó lập danh mục các công trình để có chương trình, kế hoạch bảo tồn. Ngoài ra cũng cần tập trung nghiên cứu kỹ hơn về giá trị kiến trúc đô thị, cảnh quan để rút ra bài học kinh nghiệm cho quy hoạch xây dựng Thủ đô trong giai đoạn tới. Còn đối với GS Nguyễn Bá Đang thì: giống như cách làm của các nước, có thể xây dựng lại, nhưng vẫn bảo đảm vỏ kiến trúc bên ngoài, bên trong có thể thay đổi để phục vụ cuộc sống hiện đại.

Sau hội thảo "Văn hóa, kiến trúc Pháp với Thủ đô Hà Nội" vừa qua, những vấn đề cơ bản cũng đã được thống nhất đó là: Văn hóa kiến trúc Pháp là thành tố quan trọng trong hệ thống di sản của Thăng Long, Hà Nội. Thực trạng di sản kiến trúc Pháp đang bị xuống cấp, bị tác động mạnh bởi quá trình đô thị hóa, đòi hỏi cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu nhận diện giá trị của di sản, mà trước mắt là nâng cao chất lượng quản lý, cơ chế quản lý; Không chỉ chú trọng bảo tồn các biệt thự Pháp, biệt thự kiểu Pháp mà còn chú ý cả các công trình công cộng, cảnh quan đô thị… Việc quảng bá văn hóa kiến trúc Pháp phải trở thành một chiến dịch để người dân hiểu rõ hơn tầm quan trọng của gìn giữ di sản.

KTS Đào Ngọc Nghiêm cho biết: Những đề xuất trong hội thảo này sẽ được chuyển đến UBND thành phố, các cơ quan, đơn vị có liên quan để xem xét. Hy vọng rằng câu chuyện bảo tồn phát huy giá trị về quy hoạch kiến trúc khu phố Pháp của Hà Nội không còn phải bàn thảo mà sẽ là những hành động cụ thể với sự vào cuộc của nhiều cấp, nhiều ngành và được đông đảo người dân đồng tình ủng hộ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phân loại để ứng xử cho phù hợp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.